07:12, 07/12/2015

Facebook và những hiệu ứng

Những câu chuyện xung quanh facebook dường như đang xuất hiện ngày càng nhiều trên mặt báo. Tuần qua, trên cùng 1 tờ báo trong nước đăng tải 2 thông tin liên quan đến trang mạng xã hội này: Một là nhóm học sinh mới 13, 14 tuổi mạo danh tài khoản facebook thành viên IS để đưa các nội dung kích động, ....

Những câu chuyện xung quanh facebook dường như đang xuất hiện ngày càng nhiều trên mặt báo. Tuần qua, trên cùng 1 tờ báo trong nước đăng tải 2 thông tin liên quan đến trang mạng xã hội này: Một là nhóm học sinh mới 13, 14 tuổi mạo danh tài khoản facebook thành viên IS để đưa các nội dung kích động, đe dọa tấn công khủng bố; hai là một nickname úp mở những nội dung liên quan đến công an ở một tỉnh. Tuần trước là chuyện một cán bộ khuyến nông huyện khoe hình ảnh chụp với chồn bay - loại động vật quý hiếm nằm trong sách Đỏ lên facebook cá nhân. Xa hơn một chút là một loạt bài phân tích, mổ xẻ về việc chê chủ tịch tỉnh trên facebook của một nữ cán bộ, kéo cả chính quyền, cơ quan chức năng địa phương vào cuộc, từ việc ban hành văn bản cấm like, xử phạt rồi lại thu hồi, hủy bỏ văn bản...


Trong khi đó, ở trời tây, nhà sáng lập ra facebook Mark Zuckerperg lại đưa lên trang cá nhân của mình bức thư viết cho con gái mới chào đời với đầy tình cảm yêu thương và trách nhiệm của một người cha, cùng với lời cam kết sẽ góp 99% cổ phần của công ty mình, tương đương 45 tỷ USD để làm từ thiện. Bức thư có đoạn: “Mặc dù những tin tức thời sự chính thường tập trung vào những điều sai trái, nhưng có nhiều cách để làm thế giới này đẹp hơn. Sức khỏe được cải thiện. Đói nghèo bị đẩy lùi. Kiến thức ngày càng rộng mở. Mọi người ngày càng kết nối với nhau... Bố mẹ sẽ làm tròn phần việc của mình để điều này xảy ra, không chỉ bởi bố mẹ yêu con mà còn bởi bố mẹ có nghĩa vụ đạo đức đối với mọi trẻ em ở thế hệ tiếp theo”.


2 luồng thông tin cho 2 cảm xúc trái chiều.


Có lẽ khi lập ra trang mạng xã hội facebook, Mark Zuckerperg đã không nghĩ tới và cũng khó để tưởng tượng ra những mặt trái của nó mang lại từ chính những người sử dụng. Lập ra facebook, mục đích chính của anh có lẽ là để chia sẻ, kết nối cộng đồng. Bức thư anh viết trên facebook cũng không nằm ngoài ý nghĩa đấy. Ở đó có sự trao đi tình yêu cho đứa con mới chào đời, trao đi những dự định ấp ủ về việc tạo nên một tương lai tươi sáng cho những thế hệ như con mình.


Tôi cũng đã từng đọc và thấy những hiệu ứng tích cực trong sự kết nối và sẻ chia ấy từ facebook. Đó là sự sẻ chia từ những điều dung dị nhất trong cuộc sống thường nhật của người thân, bè bạn, đồng nghiệp, đơn giản như một lời chúc mừng thầy cô giáo cũ trong ngày Tết của mình, hay sự đồng cảm với nỗi nhớ quê của người bạn xa quê... Đó là sự sẻ chia được lan tỏa từ facebook đến đời thực qua câu chuyện một người trẻ đã lên mạng xã hội kêu gọi cộng đồng mua và lập các điểm bán dưa hấu giúp nông dân Quảng Nam tránh bị cảnh trắng tay do mưa lũ vào nửa năm trước, với khẩu hiệu “Mỗi trái dưa là một tấm lòng”... Đó còn là hàng ngàn lời động viên tiếp sức về mặt tinh thần cho ca sĩ Trần Lập vượt qua cuộc phẫu thuật ung thư; hay chuyện nhóm nhà báo chơi facebook ở Nha Trang vận động quyên góp tiền ủng hộ những người có hoàn cảnh khó khăn...


Những điều nhân ái, những điều tích cực mang lại từ facebook vẫn luôn ở quanh ta.


Vậy nên, chỉ mong những ai đang chơi facebook đừng biến cái tôi cá nhân, quyền tự do cá nhân để gây nên nỗi bất bình hay gieo rắc nỗi ngờ vực nào đó trong cộng đồng. Đừng lợi dụng bàn phím làm ảnh hưởng đến người khác hay thậm chí vượt ra khỏi giới hạn của khuôn khổ luật pháp... Tất cả chỉ để trả lại đúng nghĩa chức năng vốn có của facebook mà Mark Zuckerperg đã tạo ra nó, đó là kết nối và sẻ chia.


B.T