Từ nhiều năm nay, Khánh Hòa xác định phát triển kinh tế theo hướng cơ cấu dịch vụ - du lịch, dịch vụ - du lịch- công nghiệp - nông nghiệp. Nguồn vốn từ ngân sách và từ nhiều thành phần kinh tế đã quan tâm đầu tư mạnh mẽ cho xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phục vụ phát triển dịch vụ - du lịch.
Từ nhiều năm nay, Khánh Hòa xác định phát triển kinh tế theo hướng cơ cấu dịch vụ - du lịch, (DV-DL) - công nghiệp (CN) - nông nghiệp. Nguồn vốn từ ngân sách và từ nhiều thành phần kinh tế đã quan tâm đầu tư mạnh mẽ cho xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phục vụ phát triển DV-DL. Trên thực tế, DV-DL đang ngày càng có tỷ trọng cao hơn trong cơ cấu kinh tế; đến nay, chiếm khoảng 50% GDP. Kết quả ấy là đáng mừng, bởi cơ cấu kinh tế đang đi đúng định hướng.
Song, nếu đem so sánh con số đóng góp cho ngân sách Nhà nước của ngành DV-DL với ngành CN sẽ thấy có rất nhiều điều đáng suy nghĩ.
Được đầu tư nhiều; chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế, nhưng mức đóng góp cho ngân sách của ngành DV-DL lại thấp hơn rất nhiều so với ngành CN. Theo số liệu của Cục Thuế Khánh Hòa, năm 2013, ngành DV-DL đóng góp ngân sách 624 tỷ đồng, trong khi ngành CN đóng góp 3.700 tỷ đồng; năm 2014, DV-DL đóng góp 747 tỷ đồng, trong khi CN đóng góp 3.984 tỷ đồng. Riêng trong năm 2015, trong tổng thu ngân sách Nhà nước 12.707 tỷ đồng, DV-DL đóng góp 584 tỷ đồng, chiếm chỉ có 4,6%! Trong khi đó, ngành CN đóng góp 3.965 tỷ đồng, chiếm hơn 31,2%.
Mức thu từ DV-DL chiếm tỷ trọng rất thấp trong tổng mức thu ngân sách, lại không tăng đều qua các năm. Mức thu từ CN có tỷ trọng cao hơn nhiều nhưng do chưa có thêm nhiều năng lực sản xuất mới nên có mức tăng trưởng không cao. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến tỷ lệ thu nội địa trong tổng mức thu nộp ngân sách liên tục giảm qua nhiều năm, kể từ năm 2011. Và, sau nhiều năm liên tục tăng, có năm tăng ở mức cao, đến năm 2015, Khánh Hòa bắt đầu suy giảm tăng trưởng GDP cũng như mức thu nộp ngân sách.
Công bằng mà nói, phát triển mạnh mẽ DV-DL đã tạo được bước chuyển lớn trong đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; làm thay đổi đáng kể diện mạo đô thị; tạo việc làm, đem lại thu nhập cho nhiều lao động. Tuy nhiên, dễ thấy, mức đóng góp cho ngân sách của ngành DV-DL là chưa thể hiện được vị trí, vai trò của ngành kinh tế được coi là mũi nhọn của Khánh Hòa.
Còn ngành CN, có tỷ trọng cao như vậy nhưng trong năm 2015, dự kiến cả năm 2016 chưa có dự án, công trình thật sự đủ lớn đi vào hoạt động để tạo đột phá trong tăng trưởng giá trị sản xuất, thu nộp ngân sách. Theo kế hoạch, năm 2016, tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ một số doanh nghiệp như: Tổng Công ty Khánh Việt, Công ty Yến sào Khánh Hòa, Công ty TNHH Nhà máy Tàu biển Hyundai Vinashin; thu hút đầu tư vào các Khu CN Suối Dầu, Ninh Thủy; đầu tư mới hạ tầng các Khu CN: Sông Cầu, Tân Lập, Trảng É... Song, có thể thấy, công suất của các doanh nghiệp nói trên hiện gần như đã ở mức kịch trần, để tăng mạnh giá trị sản xuất là rất khó khăn. Còn ở các Khu CN, việc xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư hãy còn nhiều khó khăn; vả lại, các doanh nghiệp ở đây có quy mô không đủ lớn để tạo được sức kéo đủ mạnh cho ngành.
Trước mắt, chưa thấy có nhiều dự án, công trình CN lớn được đầu tư trên địa bàn. Theo kế hoạch, năm 2016, chỉ thấy có Nhà máy Nhiệt điện Sumitomo, công suất 2.640MW, tổng vốn đầu tư 3,8 tỷ USD được triển khai giai đoạn 1; Nhà máy Bia Sài Gòn công suất 50 triệu lít/năm được khởi công xây dựng. Cho nên, phải rất lâu nữa, năng lực sản xuất của ngành CN mới có thể tăng mạnh.
Trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, ngành CN được xếp thứ hai. Nhưng, thực tế cho thấy, CN đã thể hiện được vị thế của mình trong tăng trưởng giá trị sản xuất, thu nộp ngân sách. Do vậy, cần có định hướng tập trung đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho phát triển CN.
PHONG NGUYÊN