08:11, 22/11/2015

Xây dựng nếp sống văn minh

Xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội là chủ trương lớn của Đảng nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Qua đó, chọn lọc và xóa bỏ những tập tục lạc hậu, bài trừ mê tín dị đoan, xây dựng và hình thành nếp sống văn minh, tiến bộ.

Xây dựng nếp sống văn minh (NSVM) trong việc cưới, việc tang và lễ hội là chủ trương lớn của Đảng nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Qua đó, chọn lọc và xóa bỏ những tập tục lạc hậu, bài trừ mê tín dị đoan, xây dựng và hình thành NSVM, tiến bộ.


Qua 15 năm thực hiện Chỉ thị 27 của Bộ Chính trị (khóa VIII) và 5 năm thực hiện Kết luận số 51 của Bộ Chính trị (khóa X) về vấn đề này, việc thực hiện NSVM trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực.



Nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vấn đề này được nâng lên rõ rệt. Việc triển khai thực hiện NSVM trong việc cưới, việc tang, lễ hội đã trở thành nội dung quan trọng trong phong trào
“Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, tạo được sự hưởng ứng rộng rãi trong toàn xã hội; trở thành chuẩn giá trị trong việc đánh giá phẩm chất, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; là tiêu chuẩn bình xét công nhận gia đình văn hóa, làng, khu phố văn hóa, cơ quan văn hóa.


Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, hiện nay, việc thực hiện NSVM trong việc cưới, việc tang, lễ hội vẫn còn một số hạn chế. Vài năm trở lại đây, ở thành phố, khu đô thị có xu hướng phục hồi những tiệc cưới phô trương, cầu kỳ, linh đình, tốn kém; một số gia đình có quan niệm nặng nề về kiêng kỵ tuổi tác nên cản trở tình yêu của con cháu, tổ chức lễ cưới vào ban đêm, không cho cô dâu vào nhà theo hướng chính diện. Ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn tình trạng tảo hôn. Đối với việc tang, tập tục chọn ngày, giờ tốt khi tẩm liệm, chôn cất vẫn còn phổ biến; vẫn còn tình trạng để người chết quá 48 giờ nhưng chưa được nhắc nhở, xử lý; việc đốt, rải vàng mã vẫn còn diễn ra. Đối với lễ hội, nhất là lễ hội tín ngưỡng dân gian vẫn còn tình trạng tổ chức đơn điệu, nội dung chưa mang đậm dấu ấn bản sắc văn hóa dân tộc; việc sản xuất hàng mã, lưu hành các văn hóa phẩm có nội dung mê tín dị đoan chưa được ngăn chặn kịp thời và giải quyết triệt để. Một bộ phận nhân dân còn nặng tín ngưỡng tâm linh, tự đóng góp xây dựng tượng, điểm thờ cúng, tổ chức cúng bái...


Trong bối cảnh nước ta đang hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng giao lưu, hợp tác với các nước trong khu vực và thế giới, môi trường văn hóa truyền thống sẽ bị tác động, ảnh hưởng bởi các hình thức văn hóa lai căng, không phù hợp với nền tảng đạo đức, lối sống của dân tộc. Những ảnh hưởng mặt trái của kinh tế thị trường, lối sống thực dụng, tư tưởng hướng ngoại, sự xuống cấp về đạo đức, lối sống... sẽ tiếp tục gia tăng và diễn biến phức tạp, các hủ tục lạc hậu chưa bị loại bỏ trong khi cái mới, các mô hình văn hóa tiên tiến chưa được định hình rõ nét, chưa có sức thuyết phục và lan tỏa trong cộng đồng.


Chính vì vậy, để việc xây dựng NSVM trong việc cưới, việc tang và lễ hội tiếp tục phát triển sâu rộng và đạt kết quả cao hơn, thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cần tiếp tục quán triệt và triển khai sâu rộng Chỉ thị 27 và Kết luận 51 của Bộ Chính trị; tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân chấp hành nghiêm các chỉ thị, quy định của Đảng, Nhà nước về thực hiện NSVM trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Tổ chức phong trào xây dựng mô hình mẫu về thực hiện NSVM, từ đó nhân rộng ra địa bàn toàn tỉnh. Đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về lễ hội, các hoạt động văn hóa thông tin; xử lý nghiêm những hành vi tổ chức truyền bá, phát tán tài liệu, băng đĩa không được phép lưu hành, những tổ chức cá nhân lợi dụng vấn đề tâm linh, ngoại cảm để lừa bịp, xuyên tạc, vu khống, phá hoại an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.


Ngọc Khánh