Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, công tác của Hội Chữ thập đỏ trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) Việt Nam, công tác của Hội CTĐ trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Các cấp ủy đảng đã tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của Ban Bí thư. Vai trò quản lý của Nhà nước đối với hoạt động của Hội CTĐ được tăng cường. Các cấp chính quyền thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện cho Hội CTĐ hoạt động. Nhờ đó, hoạt động của hội ngày càng hiệu quả hơn, huy động được nhiều tầng lớp nhân dân tham gia. Tiêu biểu là các hoạt động: cứu trợ xã hội, xây nhà CTĐ, hỗ trợ sinh kế, sơ cấp cứu, chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao năng lực phòng ngừa, ứng phó thảm họa thiên tai, hiến máu tình nguyện, Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam... Riêng chương trình Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam, từ năm 2010 đến nay, đã hỗ trợ cho hơn 72.000 lượt hộ nghèo và nạn nhân chất độc da cam, trị giá hơn 20,8 tỷ đồng. Các hoạt động hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ xã hội và cứu đói khẩn cấp cho các đối tượng nghèo đã giúp đỡ được 386.500 lượt hộ nghèo với tổng trị giá hơn 91,7 tỷ đồng. Các cấp hội cũng đã xây dựng 75 căn nhà CTĐ; tổ chức 52 đợt khám bệnh, phát thuốc miễn phí kết hợp thăm, tặng quà cho bệnh nhân nghèo, gia đình chính sách, các đối tượng xã hội, mổ mắt miễn phí cho người nghèo, trị giá hơn 2,7 tỷ đồng; cấp hơn 2.800 xe lăn, xe lắc, trị giá hơn 5,8 tỷ đồng; vận động được hơn 60.000 lượt người đăng ký hiến máu tình nguyện, tiếp nhận hơn 45.000 đơn vị máu, góp phần cứu sống hàng nghìn lượt bệnh nhân; quyên góp được hơn 420 triệu đồng ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt, ủng hộ nhân dân Nhật Bản bị động đất, sóng thần gần 1 tỷ đồng...
Công tác xây dựng, củng cố tổ chức hội luôn được các cấp, ngành và Hội CTĐ quan tâm. Đến nay, tổ chức Hội CTĐ đã được hình thành ở khắp các địa bàn dân cư và các trường học trong tỉnh, một số cơ quan cũng đã thành lập tổ chức hội. Số lượng hội viên, tình nguyện viên hỗ trợ hoạt động của hội ngày càng tăng. Ở cấp huyện, mỗi cơ quan hội được bố trí 2 đến 5 cán bộ chuyên trách. Các cán bộ này thường xuyên được cử tham gia các lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ để nâng cao trình độ, năng lực hoạt động và hiệu quả công tác.
Bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động của Hội CTĐ vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Việc quán triệt, thực hiện Chỉ thị 43 ở một số cấp ủy, chính quyền chưa được thực hiện đồng bộ, thiếu sự quan tâm chỉ đạo, đôn đốc thực hiện; công tác bố trí cán bộ làm công tác hội cũng như việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho Hội CTĐ hoạt động có nơi thực hiện chưa kịp thời, cán bộ hội cơ sở còn kiêm nhiệm nhiều việc; một số ban ngành, đoàn thể còn xem nhẹ vai trò hoạt động của Hội CTĐ; hoạt động của hội cấp cơ sở còn thụ động, trông chờ sự hỗ trợ từ hội cấp trên...
Để phát huy hơn nữa vai trò của Hội CTĐ, trong thời gian tới, rất cần sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương đối với công tác CTĐ. Bên cạnh đó, cần xây dựng mối quan hệ phối hợp chặt chẽ giữa Hội CTĐ với các ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Đặc biệt, Hội CTĐ cần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hội. Trung ương Hội CTĐ Việt Nam cần thống nhất quy định cụ thể về tổ chức bộ máy, biên chế, chế độ chính sách đối với cán bộ Hội CTĐ các cấp; thường xuyên quan tâm, sâu sát hoạt động của Hội CTĐ các cấp để kịp thời động viên cán bộ làm công tác CTĐ.
Ngọc Khánh