Theo Kế hoạch học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thời gian học tập đối với cấp tỉnh hoàn thành trước ngày 25-11; cấp huyện, cơ sở, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội hoàn thành trong tháng 12.
Theo Kế hoạch học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội (NQĐH) Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thời gian học tập đối với cấp tỉnh hoàn thành trước ngày 25-11; cấp huyện, cơ sở, UBMTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội hoàn thành trong tháng 12.
Mục đích học tập nhằm giúp cán bộ, đảng viên nắm vững những nội dung cơ bản của NQĐH, qua đó tích cực thực hiện sáng tạo trong thực tiễn công tác và đời sống, góp phần đưa NQĐH vào cuộc sống; cổ vũ toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, đoàn kết thi đua thực hiện thắng lợi NQĐH.
Đối tượng học tập là tất cả cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị; cán bộ, hội viên các đoàn thể và nhân dân. Phương thức học tập là mở các lớp cho từng đối tượng cụ thể; tổ chức phổ biến, lồng ghép qua các đợt sinh hoạt của các tổ chức quần chúng, cụm dân cư; tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Chúng ta đều biết rằng, việc học tập, quán triệt và tổ chức thực hiện NQ là một nội dung quan trọng trong hoạt động của Đảng; tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân.
NQ thì đã có văn bản hẳn hoi. Rất cụ thể. Rất chi tiết. Nhưng, làm thế nào để đưa được những nội dung cụ thể, chi tiết ấy đến với nhiều đối tượng, nhiều tầng lớp nhân dân một cách hiệu quả là điều không hề dễ dàng. Do đó, các cấp ủy địa phương, cơ sở phải chủ động xây dựng kế hoạch học tập, quán triệt NQ của cấp mình. Trong đó, hết sức chú ý việc chọn nội dung, thời gian, hình thức học tập áp dụng sao cho thật phù hợp với từng cấp, từng đối tượng. Đối tượng khác nhau, nội dung, hình thức, phương pháp học tập phải khác nhau. Do đó, sự chuẩn bị chu đáo của các cấp ủy địa phương, cơ sở có ý nghĩa hết sức quan trọng trong kết quả học tập, quán triệt NQ.
Ở đây, năng lực của đội ngũ báo cáo viên là vô cùng quan trọng. Tùy hoàn cảnh, tùy đối tượng, báo cáo viên có cách chuyển tải nội dung cho phù hợp, tránh thái quá hoặc bất cập. Bằng cách khéo léo của mình, báo cáo viên phải gợi được trong người nghe những suy nghĩ cụ thể về nội dung của NQ, để cùng có sự trao đổi, chia sẻ. Như vậy, tinh thần NQ sẽ “thấm” tốt hơn rất nhiều so với cách ở trên cứ nói, ở dưới cứ ngồi, nhưng chưa chắc đã nghe. Mà, có “thấm” thật tốt, mới mong có sự chuyển biến tốt trong nhận thức và hành động trên từng lĩnh vực công tác, từng bổn phận xã hội.
Việc học tập, quán triệt NQ của Đảng là việc làm thường xuyên, liên tục. Nhưng câu chuyện làm thế nào để có sự đổi mới trong công tác này vẫn luôn được đặt ra. Nói vậy, bởi trên thực tế, ở nhiều nơi, việc tổ chức học tập, quán triệt NQ chưa khoa học nên hiệu quả thấp; chất lượng học tập, triển khai NQ ở cơ sở chưa cao. Và, để tránh tình trạng tổ chức học tập chiếu lệ, làm lấy có, công tác kiểm tra, giám sát cần được tăng cường một cách đúng mức.
Năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện NQĐH Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lần thứ XVII và NQĐH lần thứ XII của Đảng. Do đó, việc tổ chức học tập, quán triệt và xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện các NQ là hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định trong việc đảm bảo đưa NQ đi vào cuộc sống ngay từ những ngày tháng đầu nhiệm kỳ.
PHONG NGUYÊN