Người xưa có câu "Muốn sang thì bắc cầu Kiều/Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy". Hoặc thâm thúy hơn, ông cha ta cũng từng nhắc con cháu: "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư" (một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy). ....
Người xưa có câu “Muốn sang thì bắc cầu Kiều/Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”. Hoặc thâm thúy hơn, ông cha ta cũng từng nhắc con cháu: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” (một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy). Nói vậy để thấy, vai trò của người thầy, dù trong thời đại nào cũng đáng được tôn vinh, kính trọng. Bởi thế, ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 là một ngày thật đặc biệt với tất cả mọi người, đặc biệt với cả những người làm nghề gieo chữ. Những bó hoa, món quà nhỏ, lời chúc tốt đẹp... đều thể hiện sự tri ân sâu sắc với những người đưa đò thầm lặng. Nhưng ngẫm ra nghề nào cũng có vui buồn...
Một chị bạn của tôi có thâm niên 15 năm đứng lớp kể, càng ngày chị càng thấy áp lực, đôi lúc có sự mâu thuẫn giữa quan điểm sư phạm và yêu cầu nhiệm vụ được giao. Căn bệnh thành tích đã khiến chị và nhiều đồng nghiệp cứ mải miết chạy theo những yêu cầu ấy, dần dà làm mất đi sự sáng tạo trong giảng dạy. Các giáo viên (GV) phải kiêm nhiệm thêm nhiều công việc trong trường, ít nhận được sự hỗ trợ trong công việc, chạy theo thành tích... là những điều khiến họ cảm thấy căng thẳng. Chưa kể, những kỳ thi tập trung của học sinh như thi học kỳ, thi giữa kỳ, thêm áp lực từ phía phụ huynh cũng khiến GV đau đầu. Niềm vui của họ là đợi đến lúc hái quả ngọt khi kết thúc kỳ thi, học trò đỗ đạt với thành tích như mong muốn...
Gần đây, nhiều nơi quyết tâm nói không với nạn dạy thêm - học thêm. Với nhiều GV, đây cũng là một áp lực. Theo khảo sát, đa số GV cho rằng dạy thêm là do nhu cầu của phụ huynh học sinh và để tăng thu nhập một cách phù hợp nhất. Vấn đề đặt ra là, khi mức lương quá thấp so với mức chi tiêu của xã hội thì GV phải dạy thêm. Mà dạy thêm lại kéo theo nhiều hệ lụy khác, đôi khi làm giảm uy tín của GV. Nhiều người biết cấm nhưng vẫn cứ dạy, bởi thế tình trạng dạy thêm - học thêm vẫn cứ phát triển tràn lan, chưa được giải quyết triệt để. Nhiều GV cho rằng cần có chính sách bền vững để họ sống được với nghề bằng lương. Đó cũng là giải pháp thiết thực nhất để nâng cao vị thế người thầy, tránh để tình cảnh thầy phải dạy thêm chính học trò của mình, làm mất vị thế người thầy trong mắt học sinh.
Theo tính toán, lương của một GV mới ra trường hiện nay là 3,6 triệu đồng, người có thâm niên 15 năm đứng lớp khoảng gần 6 triệu đồng và khi lên lớp khoảng 25 năm, tức là sắp về hưu thì lương là 8 triệu đồng. So với các quy định chung về thang bảng lương như các ngành nghề khác, mức lương của một bộ phận nhà giáo vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu đời sống nói chung. Vậy thì đến bao giờ nhà giáo thật sự sống được bằng lương? Câu hỏi này cũng đã được đặt ra nhiều năm trước, người ta hy vọng đến năm 2010 sẽ thay đổi nhưng đến bây giờ, bài toán này cũng chưa có lời giải vì Chính phủ không thể xem xét riêng cho ngành Giáo dục mà phải xem xét trong tổng thể cùng với các ngành khác.
Gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất và phối hợp với các bộ, ngành để đưa vào thực hiện một số chính sách nhằm nâng thu nhập cho GV. Đây là những nỗ lực lớn góp phần cải thiện đời sống nhà giáo. Mong rằng thời gian tới sẽ có thêm nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cho nghề giáo, để đội ngũ những “kỹ sư tâm hồn” thật sự sống bằng nghề, vững tâm với nghề, từ đó đam mê sáng tạo, thắp lửa cho sự nghiệp trồng người. Đến một lúc nào đó, hẳn sẽ không còn tình trạng dạy thêm - học thêm, nhà giáo cũng sẽ giảm được áp lực từ chuyện dạy học và căn bệnh thành tích...
HẢI NGUYỆT