10:10, 22/10/2015

Sự gắn bó

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa có ý kiến đồng ý cho các xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 50% và có đông đồng bào dân tộc thiểu số thuộc 13 huyện thuộc 4 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Bình Phước được thụ hưởng chính sách theo Đề án tiếp tục củng cố, kiện toàn chính quyền cơ sở vùng Tây Nguyên giai đoạn 2014 - 2020.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa có ý kiến đồng ý cho các xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 50% và có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) thuộc 13 huyện thuộc 4 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Bình Phước được thụ hưởng chính sách theo Đề án tiếp tục củng cố, kiện toàn chính quyền cơ sở vùng Tây Nguyên giai đoạn 2014 - 2020. Trong số này có huyện Khánh Sơn, thuộc tỉnh Khánh Hòa.


Đề án tiếp tục củng cố, kiện toàn chính quyền cơ sở vùng Tây Nguyên giai đoạn 2014 - 2020 đã được thực hiện từ năm 2014 tại 5 tỉnh Tây Nguyên và 21 huyện miền núi của một số tỉnh giáp Tây Nguyên.


Triển khai Đề án, các địa phương thực hiện các chính sách ưu đãi đối với cán bộ, công chức (CB-CC) cơ sở được đào tạo, bồi dưỡng để đạt chuẩn theo quy định về vị trí việc làm và biết tiếng dân tộc đối với CB-CC người Kinh công tác tại vùng có đông đồng bào DTTS; đồng thời, tiếp tục thực hiện chính sách đối với CB-CC được tăng cường về cơ sở khó khăn của các địa phương vùng Tây Nguyên, nhất là đối với các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã trọng điểm vùng đồng bào DTTS...


Củng cố, kiện toàn chính quyền cơ sở, đặc biệt là ở địa bàn miền núi như Khánh Sơn luôn là vấn đề quan trọng, cấp bách. Mà, để củng cố, kiện toàn được chính quyền cơ sở, phải xây dựng được một đội ngũ CB-CC đủ mạnh, bao gồm cả tâm, đức, tài.


Trước nay, tỉnh đã đầu tư rất lớn cho phát triển nguồn nhân lực ở hai huyện miền núi nói chung và huyện Khánh Sơn nói riêng. Đó là trợ cấp hàng tháng cho con em đồng bào DTTS được đi học từ mẫu giáo cho tới đại học; tăng cường thu hút học sinh, sinh viên người DTTS vào học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường cao đẳng, đại học… Đó là thực hiện nhiều chính sách có lợi cho CB-CC trên địa bàn nhằm ổn định công tác, đời sống gia đình... Tuy nhiên, do điều kiện khó khăn đặc thù, việc xây dựng đội ngũ CB-CC ở Khánh Sơn còn rất nhiều khó khăn. Bên cạnh số CB-CC muốn gắn bó lâu dài với miền núi, còn rất nhiều trường hợp vẫn chăm chắm mong ước “về bằng”, với nhiều nguyên nhân khác nhau. Mặc dù được đầu tư nhiều, không ít CB-CC địa phương được đưa đi đào tạo trở về chưa thật sự phát huy năng lực, đem lại hiệu quả thiết thực trong hoạt động hệ thống chính trị. Cho nên, câu chuyện nâng cao chất lượng đội ngũ CB-CC của huyện Khánh Sơn hiện đang được quan tâm sâu sắc.


Khánh Hòa đã có một số chính sách ưu đãi đối với CB-CC được điều động về các địa bàn khó khăn của tỉnh. Và, trong việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CB-CC cấp xã cũng đã quan tâm đến việc quy hoạch tạo nguồn cán bộ cơ sở là người DTTS. Việc thực hiện các Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi; Chương trình phát triển nguồn nhân lực đã đem lại cho Khánh Sơn nhiều chuyển biến mới mẻ trong công tác phát triển kinh tế - xã hội, củng cố chính quyền cơ sở.


Đây là những thuận lợi rất căn bản để Khánh Sơn tiếp cận với nhiều chính sách theo đề án. Được đưa vào diện ưu tiên theo đề án, Khánh Sơn sẽ có điều kiện tốt hơn trong công tác hoàn thiện hệ thống chính trị ở cơ sở; xây dựng đội ngũ CB-CC.


Có lẽ, đây là dịp để Khánh Sơn và các ngành liên quan tiến hành tổng rà soát hệ thống chính sách đối với CB-CC trên địa bàn, nhằm có hướng điều chỉnh, bổ sung kịp thời. Để làm thế nào đó, tạo được sự yên tâm, gắn bó thực sự của đội ngũ CB-CC đối với mảnh đất đang còn nhiều gian khó này.


PHONG NGUYÊN