Mấy ngày nay, dư luận quốc tế và trong nước bàn luận rất sôi nổi về kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (Trans - Pacific Partnership - TPP).
Mấy ngày nay, dư luận quốc tế và trong nước bàn luận rất sôi nổi về kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (Trans - Pacific Partnership - TPP).
TPP là gì? Nói vắn tắt, TPP là một thỏa thuận thương mại tự do với sự tham gia của 12 nước gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Mỹ, Singapore, Nhật Bản và Việt Nam. Mục tiêu của TPP là thắt chặt hơn nữa mối quan hệ kinh tế giữa các nước tham gia; thông qua các biện pháp giảm, thậm chí có thể bỏ hoàn toàn các hàng rào thuế quan giữa các nước, giúp tăng cường trao đổi hàng hóa và dịch vụ. TPP được kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của các thành viên trong nhóm.
Nhiều quốc gia rất ủng hộ TPP. Nhưng, cũng có nhiều quốc gia không ủng hộ, thậm chí phản đối. Điều này không khó hiểu. Bởi, có thể đối với quốc gia này, TPP đem lại thời cơ; còn quốc gia khác, lại là thách thức.
Việt Nam thì sao? Và tỉnh Khánh Hòa chúng ta sẽ phải ứng xử như thế nào trước sự kiện nóng hổi này?
TPP giúp chúng ta mở rộng thị trường xuất khẩu qua nhiều quốc gia thành viên; hội nhập sâu hơn vào thị trường tài chính thế giới; thúc đẩy đầu tư của các nước vào Việt Nam, nhất là các lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn.
Song, điều đáng lo nhất là năng lực cạnh tranh của sản phẩm trong nước còn thấp mà thị trường nội địa phải được rộng mở để hàng ngoại tự do xâm nhập. Nếu không có sự chuẩn bị tốt, nhiều ngành sản xuất và dịch vụ sẽ gặp khó khăn, và thua ngay trên “sân nhà”. Không chỉ vậy, hiện chúng ta chủ yếu xuất khẩu hàng có công nghệ thấp, chất lượng, giá trị tăng thêm thấp nên năng lực cạnh tranh yếu, khó thâm nhập, chiếm lĩnh thị trường nước ngoài.
Khánh Hòa có tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế biển. Hiện nay, thủy sản đang đóng vai trò chủ lực trong cơ cấu ngành hàng xuất khẩu của Khánh Hòa. Năm 2014, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 466 triệu USD, tăng 0,4% so với năm 2013. Mỹ, Nhật Bản, khối EU là những thị trường chính, chiếm tới 75% thị phần. Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVII xác định Khánh Hòa huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực khai thác hiệu quả thế mạnh kinh tế biển. TPP sẽ tạo thêm nhiều thuận lợi cho xuất khẩu thủy sản Khánh Hòa; thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế biển.
Nhiều chuyên gia cho rằng, thực hiện TPP, nông nghiệp là lĩnh vực gặp nhiều khó khăn nhất và nông dân là người trực tiếp gánh chịu những hệ lụy từ đó. Khánh Hòa chúng ta hiện có tới 60% dân số nông thôn. Tương lai, con số này sẽ giảm đi, khi chúng ta thực hiện mục tiêu xây dựng Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, nông, lâm thủy sản được xếp ở nhóm sau cùng, có tỷ trọng thấp hơn các ngành khác. Tuy nhiên, câu chuyện nông thôn, đời sống nông dân vẫn luôn phải quan tâm hàng đầu. Trong sản xuất, hướng tới sẽ thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo chỉ đạo mới đây của Thủ tướng Chính phủ. Trong phát triển, Khánh Hòa cũng đã xác định đầu tư mạnh cho xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Hướng đi của TPP đang mở. Trước mắt, chúng ta cần triển khai các hoạt động nghiên cứu, đánh giá tác động của TPP đối với các lĩnh vực sản xuất hàng hóa, đầu tư, dịch vụ... trên địa bàn để có cơ sở xác định hướng phát triển. Bên cạnh đó, tuyên truyền sâu rộng về TPP và những ảnh hưởng của nó đến đời sống của các tầng lớp nhân dân. Về phía các doanh nghiệp, chủ động tìm hiểu các thông tin về Hiệp định liên quan tới lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của mình; tìm giải pháp tận dụng cơ hội, hạn chế rủi ro do TPP mang lại.
Đàm phán TPP đã kết thúc. Nhưng để TPP đi vào thực tiễn còn phải có cả một lộ trình cụ thể. Chúng ta cũng phải chủ động xây dựng một lộ trình tương ứng. Việt Nam được đánh giá là có xuất phát điểm rất thấp so với các thành viên khác trong TPP. Cho nên, dù có phải “thi đấu” trên “sân nhà” hay “sân khách”, cốt lõi vấn đề là chúng ta phải có chiến lược đầu tư thật hiệu quả để nâng cao năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
PHONG NGUYÊN