Ngày 7-10, Chính phủ ban hành Nghị định số 89/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.
Ngày 7-10, Chính phủ ban hành Nghị định (NĐ) số 89/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của NĐ 67/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.
Có hiệu lực từ ngày 25-8-2014, sau hơn một năm triển khai, việc thực hiện NĐ 67 còn rất nhiều vướng mắc, khiến nội dung của NĐ chậm đi vào cuộc sống; ngư dân chưa thể tiếp cận chính sách một cách kịp thời, hiệu quả để vươn khơi bám biển.
NĐ 67 được sửa đổi, bổ sung theo hướng bám sát mục tiêu ban đầu là phát triển đội tàu cá vỏ thép, công suất lớn đánh bắt xa bờ; góp phần thay đổi phương thức tổ chức sản xuất trên biển và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Trước hết, NĐ sửa đổi, bổ sung quy định hạn mức vay, lãi suất vay và mức bù chênh lệch lãi suất. Ví dụ, trường hợp đóng mới tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ vỏ thép, vỏ vật liệu mới, chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 1%/năm, ngân sách Nhà nước cấp bù 6%/năm; đóng mới tàu vỏ gỗ, chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 70% tổng giá trị đầu tư đóng mới với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 3%/năm, ngân sách Nhà nước cấp bù 4%/năm.
Tương tự, mức vay, lãi suất vay và mức bù chênh lệch lãi suất đều được điều chỉnh theo hướng có lợi cho ngư dân đối với tất cả các trường hợp đóng mới tàu khai thác hải sản xa bờ vỏ thép, vỏ vật liệu mới có tổng công suất máy chính từ 400CV đến 800CV; đóng tàu mới vỏ thép, vỏ vật liệu mới có tổng công suất máy chính từ 800CV trở lên; đóng mới tàu vỏ gỗ, đóng mới tàu vỏ gỗ đồng thời gia cố bọc vỏ thép, bọc vỏ vật liệu mới cho tàu; nâng cấp tàu vỏ gỗ, vỏ vật liệu mới có tổng công suất máy chính dưới 400CV thành tàu có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên và nâng cấp công suất máy đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên, gia cố bọc vỏ thép; bọc vỏ vật liệu mới; mua ngư lưới cụ, trang thiết bị hàng hải, trang thiết bị khai thác, máy móc trang thiết bị bảo quản sản phẩm, trang thiết bị bốc xếp hàng hóa...
NĐ 89 bổ sung quy định tàu cá đóng mới phải sử dụng máy thủy mới; trường hợp nâng cấp máy tàu có thể sử dụng máy thủy mới hoặc máy thủy đã qua sử dụng theo quy định; quy định thời hạn cho vay hỗ trợ lãi suất là 11 năm đối với trường hợp đóng mới tàu vỏ gỗ hoặc nâng cấp tàu; 16 năm đối với đóng mới tàu vỏ thép hoặc vỏ vật liệu mới.
NĐ 89 cũng sửa đổi, bổ sung các chính sách bảo hiểm, hỗ trợ chi phí các thiết kế mẫu, thí điểm cơ chế hỗ trợ một lần sau đầu tư; quy định yêu cầu kỹ thuật đối với thiết kế mẫu tàu…
Có thể nói, việc sửa đổi, bổ sung NĐ 67 sau thời gian mới một năm triển khai thực hiện thể hiện quyết tâm rất cao của Chính phủ trong việc tạo mọi điều kiện thuận lợi cho ngư dân yên tâm sản xuất. Để làm được việc ấy, những người hoạch định, xây dựng chính sách đã phải thực sự sâu sát, cụ thể và tường tận thực tiễn. Đây được coi là động thái có ý nghĩa lớn, từng bước tháo gỡ những nút thắt, vướng mắc trong thực tiễn nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu hiện đại hóa nghề cá nước ta.
Các cơ quan, ban ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh cần sớm xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện những nội dung mới sửa đổi, bổ sung để NĐ 67 thật sự đi vào cuộc sống một cách thiết thực, hiệu quả.
PHONG NGUYÊN