Theo tổng hợp từ Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công Thương), mô hình chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp tại các địa phương trên cả nước hiện chưa thống nhất.
Theo tổng hợp từ Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công Thương), mô hình chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp (CCN) tại các địa phương trên cả nước hiện chưa thống nhất. Hiện nay, vẫn còn nhiều mô hình như: doanh nghiệp (DN) tư nhân, trung tâm khuyến công, DN nhà nước, UBND cấp huyện... làm chủ đầu tư hạ tầng CCN.
Tại Khánh Hòa cũng đang tồn tại nhiều mô hình đầu tư hạ tầng CCN. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chỉ có 2 CCN Đắc Lộc (TP. Nha Trang) và Diên Phú (huyện Diên Khánh) đang hoạt động, do Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương) quản lý. Ngoài ra, UBND tỉnh đã giao Tổng Công ty Khánh Việt thực hiện đầu tư CCN Trảng É (TP. Nha Trang), Công ty Yến sào Khánh Hòa đầu tư CCN Sông Cầu (huyện Khánh Vĩnh). Tuy chưa thể đánh giá hiệu quả của mô hình này, bởi 2 CCN nói trên vẫn đang trong quá trình triển khai, nhưng theo Bộ Công Thương, mô hình DN làm chủ đầu tư hạ tầng CCN được coi là giải pháp tối ưu và phù hợp với xu hướng phát triển hiện nay.
Mới đây, UBND tỉnh đã giao cho UBND TP. Cam Ranh làm chủ đầu tư CCN Cam Phúc Bắc. Tuy nhiên kinh phí đầu tư quá lớn khiến lãnh đạo tỉnh khá lo lắng. Tại các cuộc họp liên quan đến việc triển khai CCN này, đồng chí Trần Sơn Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh băn khoăn, bỏ ra gần 200 tỷ đồng để xây dựng, nhưng liệu sau khi xây dựng xong, các DN vào đây có đạt 50% tổng diện tích hay không? Tỷ lệ lấp đầy cho dù đạt trên 50%, nhưng nếu cứ vài năm mới có một DN vào hoạt động thì hiệu quả đến đâu?
Điều này chứng tỏ, việc UBND cấp huyện làm chủ đầu tư CCN cần phải được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng bởi số tiền ngân sách bỏ ra quá lớn, trong khi khả năng thu hồi gặp khó khăn. Trong khi đó, mô hình do DN làm chủ đầu tư có ưu điểm giảm được gánh nặng ngân sách, trách nhiệm của Nhà nước trong việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật, thu hút các dự án đầu tư vào trong CCN; tiến độ xây dựng và chất lượng các hạng mục công trình hạ tầng tương đối đảm bảo; các dịch vụ công cộng như: bảo vệ, vệ sinh môi trường, xử lý nước thải, chất thải... thực hiện khá tốt. Việc khắc phục các hư hỏng được DN triển khai kịp thời, tạo thuận lợi cho các đơn vị hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Ông Lê Ngọc, quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại cho rằng, hiện nay, nhu cầu về hạ tầng để DN vào đầu tư sản xuất khá lớn. Nếu các DN đủ tiềm lực thì giao cho họ làm chủ đầu tư hạ tầng CCN là hiệu quả nhất. Chính vì vậy, việc Công ty Yến sào Khánh Hòa và Tổng Công ty Khánh Việt tham gia đầu tư hạ tầng CCN là hướng đi phù hợp với sự phát triển, hy vọng sẽ mở ra một hướng mới trong việc phát triển các CCN, phát triển sản xuất, tạo việc làm cho người lao động địa phương.
NHẬT THANH