10:10, 11/10/2015

Chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam

Thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh đã đặc biệt quan tâm, chú trọng công tác vận động xã hội tham gia giúp đỡ, tạo điều kiện để các nạn nhân chất độc da cam vượt qua khó khăn. ....

Thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh đã đặc biệt quan tâm, chú trọng công tác vận động xã hội tham gia giúp đỡ, tạo điều kiện để các nạn nhân chất độc da cam vượt qua khó khăn. Nhờ đó, công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam đạt nhiều kết quả tích cực; nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội đối với việc khắc phục hậu quả chất độc da cam có những chuyển biến mạnh mẽ.


Công tác kê khai, thăm khám và xét duyệt các đối tượng bị ảnh hưởng chất độc da cam được tiến hành chu đáo, nhanh chóng, đúng đối tượng. Hệ thống tổ chức Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp là chỗ dựa tinh thần cho nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam. Đến nay, toàn tỉnh không tồn đọng hồ sơ đủ điều kiện hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi của nạn nhân chất độc da cam. Trong số 9.200 người bị phơi nhiễm chất độc da cam, có khoảng 1.600 người đang được hưởng trợ cấp hàng tháng.


Bên cạnh kết quả đạt được, lĩnh vực này vẫn còn hạn chế. Một số cấp ủy đảng, chính quyền nhận thức chưa thật sự đầy đủ, sâu sắc công tác này; việc phối hợp thực hiện các chủ trương, chính sách giải quyết hậu quả chất độc hóa học, huy động nguồn lực giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam ở một số nơi chưa tốt, chưa chặt chẽ. Hoạt động của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở một số nơi chưa đều, nhất là ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.


Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam theo Chỉ thị 43 ngày 14-5-2015 của Ban Bí thư, vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có Thông tri yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị 43 của Ban Bí thư. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, ngành, nhân dân trong công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam; xác định đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, là vấn đề vừa cấp bách, vừa lâu dài trong giai đoạn hiện nay. Bên cạnh đó, đưa nhiệm vụ xử lý dứt điểm về ô nhiễm môi trường trong vùng tồn đọng chất độc hóa học và chăm sóc, giúp đỡ người dân vùng phơi nhiễm chất độc da cam vào chương trình an sinh xã hội, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của địa phương, đơn vị. UBND tỉnh tăng cường công tác quản lý nhà nước, thực hiện đầy đủ chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam/dioxin, quan tâm tạo điều kiện để Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin hoạt động hiệu quả...


Hy vọng, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, thời gian tới, công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn tỉnh sẽ đạt kết quả cao hơn.


Ngọc Khánh