Ngày 3-8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập Trường Đại học Khánh Hòa, trên cơ sở hiện có của Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang và Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật và Du lịch Nha Trang. Theo quyết định, nhà trường đi vào hoạt động từ 1-10-2015.
Ngày 3-8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập Trường Đại học (ĐH) Khánh Hòa, trên cơ sở hiện có của Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang và Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật và Du lịch Nha Trang. Theo quyết định, nhà trường đi vào hoạt động từ 1-10-2015.
Như vậy là sự cố gắng, quyết tâm rất lớn của tỉnh đã đạt được kết quả bước đầu. Cách đây hơn 4 năm (tháng 5-2011), tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo và xây dựng đề án thành lập Trường ĐH Khánh Hòa theo hướng đa cấp, đa ngành. Một trong những khó khăn lớn nhất lúc bấy giờ là Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo hạn chế tối đa việc thành lập thêm các trường ĐH, trừ những trường đào tạo các ngành công nghệ phục vụ sản xuất và những ngành cần được ưu tiên.
Về việc thành lập Trường ĐH Khánh Hòa, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tỉnh Khánh Hòa cần nghiên cứu kỹ mô hình trường ĐH của tỉnh. Bộ GD-ĐT đã phải xem xét rất kỹ nhu cầu nhân lực của tỉnh Khánh Hòa và khu vực đối với những chuyên ngành nhà trường dự kiến đào tạo; yêu cầu Trường ĐH Khánh Hòa xây dựng đề án đào tạo chỉ những ngành nghề không trùng với các trường ĐH khác đã có trên địa bàn.
Còn nhớ, trong chuyến thăm và làm việc với tỉnh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chân thành góp ý, nếu Khánh Hòa quyết tâm xây dựng trường ĐH thì nên tập trung theo hướng chuyên ngành, thay vì đa ngành như đề án; trong đó chú trọng các ngành liên quan đến du lịch - mũi nhọn phát triển kinh tế - xã hội của Khánh Hòa.
Hiện nay, Trường ĐH Khánh Hòa đang làm thủ tục mở 8 mã ngành đào tạo, gồm: Việt Nam học; Quản lý văn hóa; Vật lý kỹ thuật; Biểu diễn nhạc cụ truyền thống; Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành; Công nghệ thông tin; Anh văn, Nga văn. Nhìn vào nhóm ngành nói trên, có thể thấy, cơ cấu đào tạo của Trường ĐH Khánh Hòa phần nào “né” được sự trùng lắp với các trường ĐH khác trên địa bàn, phần khác, đã có hướng nhắm tới tính lợi thế, phù hợp với đặc trưng phát triển văn hóa, du lịch biển đảo, phù hợp với thị trường du khách; từng bước đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn sâu, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Tạm gác những khó khăn về cơ sở vật chất trường lớp học; bộ máy quản lý; đội ngũ giáo viên..., câu chuyện đang được mọi người đặc biệt quan tâm là trong điều kiện ngành nghề như vậy, Trường ĐH Khánh Hòa sẽ tổ chức đào tạo như thế nào; định hướng đầu ra ra sao… để đem lại hiệu quả cao. Có lẽ, Khánh Hòa cũng cần tính trước phương án sử dụng nguồn nhân lực được đào tạo từ ngôi trường mới mẻ này.
Do còn phải hoàn tất nhiều nội dung công việc, Trường ĐH Khánh Hòa chưa kịp tuyển sinh năm học 2015 - 2016, phải đợi đến năm học sau.
Có Trường ĐH Khánh Hòa, con em địa phương có thêm một địa chỉ đào tạo mới, đỡ phải đi xa vất vả, tốm kém. Và, Khánh Hòa sẽ có thêm đội ngũ trí thức được đào tạo tại chỗ, chuyên sâu, phù hợp; có khả năng đáp ứng tốt yêu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
PHONG NGUYÊN