Qua 5 năm triển khai thực hiện Quyết định số 290 ngày 25-2-2010 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị, trên địa bàn tỉnh, nhận thức của cả hệ thống chính trị về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác dân vận trong tình hình mới đã có nhiều chuyển biến.
Qua 5 năm triển khai thực hiện Quyết định số 290 ngày 25-2-2010 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị, trên địa bàn tỉnh, nhận thức của cả hệ thống chính trị về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác dân vận trong tình hình mới đã có nhiều chuyển biến. Các cấp, ngành đã phân công lãnh đạo phụ trách công tác dân vận, theo dõi thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Chính quyền các cấp đã đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới lề lối làm việc, xây dựng và thực hiện phong cách làm việc của cán bộ, công chức, viên chức theo hướng trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân. Việc kiểm tra, chấn chỉnh kỷ cương, thái độ phục vụ nhân dân được tăng cường. Nhiều buổi tiếp dân, đối thoại với dân để giải quyết khiếu nại, vướng mắc, nguyện vọng chính đáng của nhân dân được tổ chức, tạo điều kiện cho người dân và các tổ chức, doanh nghiệp khi liên hệ với cơ quan nhà nước.
Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, công tác dân vận trong thời gian qua đã góp phần phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội, bảo đảm ổn định chính trị, giữ vững quốc phòng an ninh, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác dân vận vẫn còn một số tồn tại. Việc quán triệt các quyết định của Bộ Chính trị và Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác dân vận ở một số cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể chưa sâu rộng nên vẫn còn nhận thức cho rằng, công tác dân vận là của Ban Dân vận, Mặt trận và các đoàn thể. Một số cấp ủy đảng, chính quyền còn lúng túng trong việc triển khai, nhất là việc chỉ đạo thực hiện công tác dân vận trên từng mảng công việc và từng lĩnh vực. Việc phối hợp thực hiện quy chế công tác dân vận giữa các sở, ban ngành với Mặt trận và các đoàn thể còn hạn chế. Việc quán triệt và vận dụng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân vận của các cấp, ngành chưa được coi trọng đúng mức. Công tác dân vận của chính quyền các cấp tuy có chuyển biến nhưng chưa đều ở một số cơ quan, đơn vị; bên cạnh đó, tuy đã phân công cán bộ phụ trách nhưng kết quả còn hạn chế so với yêu cầu đề ra.
Để công tác dân vận trong thời gian tới đạt kết quả cao hơn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu, các cấp, ngành cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền và thực hiện các quyết định của Trung ương, của tỉnh về công tác dân vận. Mặt trận và các đoàn thể cần tiếp tục phát huy quyền làm chủ, thực hiện vai trò giám sát, phản biện, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền. Bên cạnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện Quy chế công tác dân vận, cần quan tâm nâng cao hiệu quả thực hiện Quy chế công tác dân vận của cơ quan nhà nước các cấp cũng như chất lượng công tác tham mưu của ban dân vận, Mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp và đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận; tăng cường công tác dân vận của lực lượng vũ trang; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa ban dân vận cấp ủy, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội với chính quyền các cấp.
Đặc biệt, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang, đoàn viên, hội viên bên cạnh gương mẫu trong công tác, lao động, sinh hoạt và làm tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, cần quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.
NGỌC KHÁNH