Tuần qua, người lao động cả nước hết sức quan tâm và hy vọng vào phiên họp của Hội đồng Tiền lương quốc gia đề xuất mức tăng lương tối thiểu năm 2016. Nhưng cuộc họp đã không có kết quả.
Tuần qua, người lao động cả nước hết sức quan tâm và hy vọng vào phiên họp của Hội đồng Tiền lương quốc gia đề xuất mức tăng lương tối thiểu năm 2016. Nhưng cuộc họp đã không có kết quả. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - đại diện cho người lao động đề xuất mức tăng khoảng 16,8% so với năm 2015. Đại diện cho người sử dụng lao động bảo vệ mức tăng khoảng 10%. Mỗi bên đều có căn cứ riêng và không thể tìm được tiếng nói chung. Dự kiến ngày 3-9 tới, Hội đồng sẽ họp lần cuối để “chốt” phương án.
Tâm lý chung của người lao động và những người hưởng chính sách xã hội đều mong được tăng lương. Giá cả ngày càng đắt đỏ mà tiền lương thì quá eo hẹp, sống bằng lương luôn hụt trước thiếu sau. Nhưng ở góc độ chung của xã hội, chuyện tăng lương cũng có nhiều điều phải suy nghĩ.
Thực hiện lộ trình cải cách tiền lương, những năm qua mức lương tối thiểu lần lượt được nâng lên, có những năm do điều kiện kinh tế quá khó khăn nên Chính phủ “xin khất” về mức tăng hoặc thời gian tăng... Nhưng mỗi một lần mới có chủ trương tăng lương, giá cả thị trường đã ào ào tăng trước. Nhớ từ khi mức lương tối thiểu 650.000 đồng, qua mấy lần tăng đến nay thành 1,15 triệu đồng, nhưng tính ra sức mua thực tế không khác là bao nhiêu, chưa kể lương tăng 1 nhưng vật giá tăng 2. Nói một cách khác, dù có tăng lương thêm bao nhiêu phần trăm, vẫn không kịp chạy theo mức tăng giá cả trong cuộc sống, đời sống người lao động luôn vẫn khó khăn.
Tại sao có hiện tượng này?
Theo các chuyên gia, nền kinh tế của chúng ta còn rất khó khăn, hiệu quả sản xuất thấp, khả năng tích lũy nhỏ bé, trong khi ấy biên chế hưởng lương ngày càng phình to. Tiền dành cho tái đầu tư, mở rộng sản xuất không nhiều, tiền để trả lương chiếm tỷ lệ quá lớn. Đại diện phía sử dụng lao động có những lý do riêng để bảo vệ việc tăng lương chỉ khoảng 10%.
Đứng ở góc độ tình cảm, người lao động hy vọng nhiều vào phiên họp cuối cùng ngày 3-9 tới, khi ấy đại diện cho người lao động và phía sử dụng lao động nếu vẫn không có tiếng nói chung, chủ tịch hội đồng sẽ quyết theo thẩm quyền để trình phương án tăng lương cho Chính phủ quyết định. Rất có thể hai bên sẽ phải chấp nhận một mức tăng dung hòa. Vấn đề là Chính phủ phải điều hành, phát triển nền kinh tế có hiệu quả, kiểm soát được tốc độ lạm phát hợp lý... như vậy, việc tăng lương mới có ý nghĩa.
Nếu không, sẽ cứ mãi là cuộc rượt đuổi lương lên, giá lên, thậm chí là lương chưa lên giá cả đã đồng loạt lên. Và mục tiêu người lao động sống được bằng lương vẫn cứ xa vời.
TRẦN DUY