Nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, những năm qua, tỉnh đã quan tâm chỉ đạo và ưu tiên triển khai, ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất và đời sống.
Nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, những năm qua, tỉnh đã quan tâm chỉ đạo và ưu tiên triển khai, ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất và đời sống. Qua đó, hình thành những mô hình sản xuất hàng hóa nông nghiệp có giá trị kinh tế cao.
Đến nay, 80% cây trồng trên địa bàn tỉnh sử dụng giống mới phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương; tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất, thu hoạch, chế biến nông lâm thủy sản được nâng lên, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, tạo tiền đề thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Sản phẩm ở các ngành, nghề đã có chất lượng và giá trị cao hơn, nâng cao sức cạnh tranh ở cả trong nước và xuất khẩu, tạo nên thương hiệu uy tín cho Khánh Hòa.
Trong sản xuất nông nghiệp, tuy gặp khó khăn về thời tiết, dịch bệnh, giá cả vật tư, xăng dầu, phân bón tăng cao... nhưng ngành nông nghiệp vẫn giữ được nhịp độ phát triển ổn định. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2014 đạt trên 9.789 tỷ đồng, tăng 2,81% so với năm 2013; trong đó, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt hơn 4.400 tỷ đồng, tăng 2,29%, giá trị sản xuất thủy sản đạt hơn 5.200 tỷ đồng, tăng 3,38% so với năm 2013. Riêng cây lúa, trên cơ sở khảo nghiệm kết quả tại địa phương, tỉnh đã đưa vào sản xuất đại trà nhiều giống lúa mới thay thế giống lúa cũ đã thoái hóa, tăng diện tích gieo trồng giống lúa mới lên 10.000 - 11.000ha mỗi vụ, chiếm 70 - 80% diện tích trồng lúa nước, năng suất lúa bình quân đạt 50 - 55 tạ/ha. Đối với cây mía, nhiều kỹ thuật trong sản xuất như canh tác giảm mật độ trồng, cày sâu, thâm canh tổng hợp, trồng mía có tưới... được áp dụng triệt để. Nhiều giống mía mới như ROC 25, R570, DLM24, K84-200, Uthong3... đã thay thế dần giống mía cũ. Đến nay, vùng mía nguyên liệu của tỉnh phát triển gần 19.000ha, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu của 2 nhà máy đường. Năng suất mía bình quân trên 50 tấn/ha. Đối với các loại cây công nghiệp, ăn quả, lâm nghiệp, tỉnh đã chỉ đạo triển khai ứng dụng công nghệ sinh học trong bảo tồn, phục tráng, chọn tạo các giống cây quý hiếm, cây đầu dòng cho năng suất, chất lượng cao như: bưởi Năm Roi, bưởi da xanh ruột hồng, sầu riêng hạt lép, dừa dứa, dừa xiêm lùn, xoài cát Hòa Lộc, xoài cát Chu, xoài Úc, keo lai giâm hom, lát Mêxico, xoan chịu hạn, tre tàu, tre điền trúc, xà cừ, dó trầm, mây nếp... Một số kỹ thuật nuôi cấy mô tế bào trong phòng thí nghiệm, kết hợp kỹ thuật chiết, ghép và giâm cành ngoài vườn ươm đã phát huy tác dụng làm nhân nhanh giống, đáp ứng nhu cầu cây giống, phục vụ các chương trình cải tạo vườn tạp, trồng rừng của tỉnh.
Ngoài lĩnh vực nông nghiệp, các lĩnh vực khác như chăn nuôi, thủy sản, y tế, bảo vệ môi trường, công nghiệp cũng được áp dụng nhiều tiến bộ về công nghệ sinh học và đạt được những thành tựu đáng khích lệ.
Trên cơ sở kết quả đạt được, thời gian tới, tỉnh chủ trương tiếp tục nghiên cứu và triển khai ứng dụng có chọn lọc các thành tựu khoa học - công nghệ sinh học phục vụ thiết thực và có hiệu quả trong các lĩnh vực: Nông lâm ngư nghiệp, công nghiệp chế biến, bảo vệ sức khỏe, môi trường. Bên cạnh đó, xây dựng hệ thống các cơ sở nghiên cứu - ứng dụng và phát triển thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học có năng lực, đủ khả năng nghiên cứu và tiếp nhận, ứng dụng triển khai từ tỉnh đến huyện, tạo ra công nghệ mới, chuyển giao ứng dụng, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ngọc Khánh