11:04, 14/04/2015

Ngày sách cho riêng mỗi người

Ngày 21-4 mới là Ngày sách Việt Nam, nhưng có vẻ như nhiều người không còn chờ đến ngày đó để tổ chức các hội sách, để tìm đọc cuốn sách theo kiểu hướng ứng một ngày lễ. Ngay từ khi mới qua Tết Nguyên đán, người ta đã khởi động với sách. Bắt đầu từ thủ đô Hà Nội với Hội sách mùa xuân 2015, tiếp đó là Đại hội sách cũ Hà Nội 2015, rồi Hội sách Cần Thơ…

Ngày 21-4 mới là Ngày sách Việt Nam, nhưng có vẻ như nhiều người không còn chờ đến ngày đó để tổ chức các hội sách, để tìm đọc cuốn sách theo kiểu hướng ứng một ngày lễ. Ngay từ khi mới qua Tết Nguyên đán, người ta đã khởi động với sách. Bắt đầu từ thủ đô Hà Nội với Hội sách mùa xuân 2015, tiếp đó là Đại hội sách cũ Hà Nội 2015, rồi Hội sách Cần Thơ… Nghe đâu còn sắp có Hội sách mùa hè, kèm theo đó là phát động cuộc thi Đọc và viết về cuốn sách của em; hay phố sách ở TP. Hồ Chí Minh… Đó là những ngày hội sách thực sự với quy mô lớn về số lượng đầu sách cũng như độ thu hút người đọc. Nhà xuất bản Trẻ lại có hẳn chương trình Tháng ba sách Trẻ với hàng trăm tác phẩm xuất bản và tái bản với chính sách giảm giá 10% - 20% tại tất cả các nhà sách trên toàn quốc như một cách “kích cầu” bạn đọc. Chợt nhớ ngay từ mùng 5 Tết, cô bạn từ Hàn Quốc về Nha Trang ăn Tết đã rủ đến Nhà sách Phương Nam mua sách mang qua xứ Hàn...


Nói vậy để thấy đâu cần phải chờ đến ngày của sách người ta mới quan tâm đến sách.


Và cũng đâu cần đến những cuốn sách mới xuất bản, còn thơm mùi giấy; đâu cần tạo sức lan tỏa trong cộng đồng như “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” dăm bảy năm về trước mới là có ý nghĩa.


Đó có thể là cái tựa sách đã cũ “Chiến thắng bằng mọi giá” vô tình nhìn thấy trên tay anh bạn đồng nghiệp mà hỏi mượn đọc, để hiểu thêm về đời binh nghiệp của vị tướng tài ba lỗi lạc Võ Nguyên Giáp. Đó có thể là “Những lối về ấu thơ’ của bộ đôi tác giả mà một trong hai là người con của vùng đất Cam Ranh, để bắt gặp chút thân quen của đất, của người xứ Trầm Hương. Hoặc cũng có thể là cuốn sách tái bản nhiều lần “Trông người ngóng núi” của Nguyễn Ngọc Tư bất chợt bắt gặp ở một hội sách trong chuyến rong chơi ở thành phố mang tên Bác. Thậm chí là cuốn sổ tay xanh về bảo vệ môi trường xuất bản đã vài năm.


Cũng lắm khi chẳng phải mất công tìm đến các nhà sách, chỉ cần một loáng vào thế giới mạng là đủ cùng với cái thú đọc sách miễn phí. Muốn đọc “Hạt giống tâm hồn” thì đã có hẳn 1 ứng dụng Hạt giống tâm hồn. Có khi bắt gặp ứng dụng “Con yêu Bác Hồ”, ở đó trích dẫn những câu nói bất hủ của Người lúc sinh thời, có hàng trăm câu chuyện kể về Bác cũng như di chúc của Hồ Chủ tịch. Hay tải ứng dụng VNEbook cũng có cả ngàn cuốn sách được sắp xếp theo từng chủ đề, có thể tìm tên tác giả mình thích, từ sách xưa tới sách nay, từ “Thương nhớ mười hai”, “Ông cố vấn”, “Ván bài lật ngửa”, đến tiểu thuyết nổi tiếng như “Mẫu thượng ngàn” hay cả những tạp bút của Nguyễn Ngọc Tư...


Dù là thế giới nào thì cũng là nơi tạo ta một không gian văn hóa, kết nối người ta tìm đến với sách. Còn đọc sách gì và thẩm thấu thế nào thì tự thân mỗi người cần biết cách định hướng cho mình.


Vậy đấy, Ngày sách Việt Nam chỉ có một, những lại có nhiều ngày sách đối với mỗi người. Con đường đến với sách cũng có nhiều, như việc Trường Tiểu học Phương Sài tổ chức ngày hội đọc sách vừa qua chẳng hạn, trong đó có thi cảm nhận về sách… Sách cần được nuôi dưỡng ngay từ trong những tâm hồn bé thơ như thế. Để thói quen ấy không chỉ đến trong ngày 21-4.


B.T