11:03, 15/03/2015

Nâng cao chất lượng dân số

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 47 của Bộ Chính trị (khóa IX) về "tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình", đến nay, đại bộ phận nhân dân trong tỉnh đã chấp nhận quy mô gia đình ít con, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm mạnh.

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 47 của Bộ Chính trị (khóa IX) về “tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ)”, đến nay, đại bộ phận nhân dân trong tỉnh đã chấp nhận quy mô gia đình ít con, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm mạnh. Tỷ suất sinh giảm từ 17,1‰ (năm 2004) xuống còn 15,3‰ (năm 2014); số con trung bình mỗi phụ nữ từ 2,28 con xuống còn 1,88 con, quy mô dân số cơ bản được kiểm soát, góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế bền vững, đời sống nhân dân được cải thiện và nâng cao, các vấn đề xã hội từng bước được giải quyết.


Đặc biệt, trong 2 năm 2004 và 2005, tỉnh đã triển khai thực hiện mô hình nâng cao chất lượng dân số ở cộng đồng tại 4 xã thuộc thị xã Cam Ranh (nay là TP. Cam Ranh) và huyện Ninh Hòa nay là thị xã Ninh Hòa). Mô hình này đã tác động giảm tỷ lệ trẻ em sinh thiếu cân và giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em. Từ năm 2011, tỉnh tiếp tục triển khai một số đề án nhằm nâng cao chất lượng dân số như: Đề án “Nâng cao chất lượng dân số thông qua tuyên truyền vận động, phát hiện, can thiệp sớm bệnh, tật ở thai nhi và sơ sinh giai đoạn 2011 - 2015”; nhân rộng mô hình tư vấn và khám sức khỏe vị thành niên, thanh niên, nhằm cung cấp kiến thức và hành vi chăm sóc sức khỏe sinh sản cho tuổi vị thành niên; Đề án “Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng”, nhằm cung cấp kỹ năng, kiến thức chăm sóc sức khỏe và phát huy vai trò người cao tuổi... Có thể nói, các đề án về nâng cao chất lượng dân số đã phát huy tác dụng tích cực, góp phần cung cấp kỹ năng, kiến thức chăm sóc sức khỏe và phát huy vai trò, trách nhiệm của mọi thành viên trong cộng đồng đối với việc nâng cao thể chất và trí tuệ con người Việt Nam.


Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác DS-KHHGĐ hiện đang gặp một số khó khăn. Nguồn lực đầu tư cho công tác này ngày càng giảm, dẫn đến không có điều kiện xây dựng và nhân rộng các mô hình tốt ở cơ sở. Công tác DS-KHHGĐ mới chỉ thật sự chuyển biến ở vùng thành thị và nông thôn phát triển, còn ở những vùng nghèo, miền núi, vùng sâu, vùng xa, tỷ lệ sinh con thứ ba và số con trung bình của một phụ nữ vẫn cao gấp 2,5 và 1,4 lần so với vùng đồng bằng. Chương trình dân số những năm qua mới chỉ tập trung vào việc giảm sinh, hạn chế tốc độ gia tăng dân số chứ chưa chú trọng nhiều đến các mặt khác của vấn đề chất lượng dân số, cơ cấu và phân bổ dân cư. Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đang ở mức báo động với 109 bé trai/100 bé gái và đang có xu hướng gia tăng...


Được biết, Khánh Hòa hiện đang ở trong nhóm các tỉnh, thành phố ổn định mức sinh. Tuy nhiên, hàng năm số phụ nữ bước vào tuổi sinh đẻ vẫn gia tăng. Vì vậy, cần tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp giảm sinh, duy trì mức sinh thấp hợp lý, đảm bảo cơ cấu dân số hài hòa, quản lý phân bổ dân cư nhằm thực hiện tốt các nội dung nâng cao chất lượng dân số cũng như cuộc sống cho người dân.


Ngọc Khánh