Được quân đội Hoa Kỳ xây dựng và sử dụng làm căn cứ không quân trong chiến tranh Việt Nam, đến nay, đường băng cất hạ cánh của Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh đã xuống cấp nghiêm trọng; thêm vào đó, do dùng chung cho cả hoạt động dân sự lẫn quân sự nên lượng máy bay khai thác trên đường băng này đã quá tải khoảng 125%. Do vậy, trong khai thác, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, có thể phải đóng cửa sân bay.
Được quân đội Hoa Kỳ xây dựng và sử dụng làm căn cứ không quân trong chiến tranh Việt Nam, đến nay, đường băng cất hạ cánh của Cảng Hàng không quốc tế (HKQT) Cam Ranh đã xuống cấp nghiêm trọng; thêm vào đó, do dùng chung cho cả hoạt động dân sự lẫn quân sự nên lượng máy bay khai thác trên đường băng này đã quá tải khoảng 125%. Do vậy, trong khai thác, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, có thể phải đóng cửa sân bay.
Theo quy hoạch của Chính phủ, đến năm 2020, Cảng HKQT Cam Ranh sử dụng đường cất hạ cánh số 1 hiện có và xây dựng thêm đường cất hạ cánh số 2 kích thước 3.048m x 45m; mở rộng sân đỗ máy bay đảm bảo 32 vị trí đỗ; giai đoạn đến năm 2030 cải tạo nâng cấp đường cất hạ cánh số 1.
Quy hoạch là như vậy, nhưng nếu không kịp thời xây dựng đường băng số 2 mà đường băng số 1 duy nhất hiện nay gặp sự cố, Cảng HKQT Cam Ranh sẽ phải đóng cửa trong một thời gian rất dài để sửa chữa hoặc xây dựng mới một đường băng khác. Thật khó có thể hình dung nổi những thiệt hại kinh khủng về nhiều mặt nếu điều ấy xảy ra.
Do vậy, việc đầu tư xây dựng đường cất hạ cánh số 2 là rất cần thiết và cấp bách, nhằm từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất để Cảng HKQT Cam Ranh đảm bảo được vai trò, vị trí, chức năng theo quy hoạch được duyệt.
Dự lễ khởi công công trình, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: “Việc khởi công xây dựng dự án trong thời điểm tình hình kinh tế cả nước đang còn khó khăn đã minh chứng cho sự quyết tâm, nỗ lực của Đảng bộ, lãnh đạo và nhân dân tỉnh Khánh Hòa”.
Sự quyết tâm, nỗ lực ấy thể hiện qua nghị quyết của Tỉnh ủy về tập trung thực hiện các công trình, dự án trọng điểm giai đoạn 2012 - 2015, trong đó có Dự án Khu Trung tâm đô thị - Thương mại - Dịch vụ - Tài chính - Du lịch Nha Trang và Dự án Đường cất hạ cánh số 2 Cảng HKQT Cam Ranh.
Cái khó muôn thuở để thực hiện các dự án vẫn là vốn. Dự án đường băng số 2 có tổng vốn đầu tư gần 2.000 tỷ đồng. Lẽ ra, số vốn này do Trung ương đầu tư. Nhưng, để bảo đảm tính kịp thời, Khánh Hòa mạnh dạn đứng ra ứng trước để thực hiện. Và, việc HĐND tỉnh thống nhất điều chuyển nguồn vốn 400 tỷ đồng từ Dự án Khu Trung tâm đô thị - Thương mại - Dịch vụ - Tài chính - Du lịch Nha Trang sang Dự án Đường cất hạ cánh số 2 Cảng HKQT Cam Ranh đã thể hiện cụ thể hơn nữa quyết tâm, nỗ lực ấy.
Trong mấy năm gần đây, lượng khách đến Cảng HKQT Cam Ranh gia tăng quá nhanh. Năm 2011, cảng đón 1,012 triệu lượt khách; đến năm 2014 đã có 2,062 triệu lượt. Theo quy hoạch, giai đoạn đến năm 2015 cảng sử dụng nhà ga công suất 1,5 triệu hành khách/năm hiện có. Nhưng, theo con số dự kiến, lượng khách đến Cảng HKQT Cam Ranh trong năm 2015 là… 2,5 triệu lượt.
Rõ ràng, Cảng HKQT Cam Ranh đang cần được đầu tư nhiều mặt, để kịp thời đáp ứng nhiệm vụ an ninh - quốc phòng và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Khánh Hòa và các địa phương trong khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Để làm được điều ấy, đòi hỏi quyết tâm, nỗ lực không chỉ của riêng tỉnh Khánh Hòa.
PHONG NGUYÊN