Nhằm đưa kinh tế địa phương phát triển nhanh và bền vững, thời gian qua, UBND tỉnh đã triển khai thực hiện Kế hoạch công tác hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2013 - 2015. Trong 2 năm qua, hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh đã góp phần đưa diện mạo tỉnh ngày càng khởi sắc.
Nhằm đưa kinh tế địa phương phát triển nhanh và bền vững, thời gian qua, UBND tỉnh đã triển khai thực hiện Kế hoạch công tác hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2013 - 2015. Trong 2 năm qua, hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh đã góp phần đưa diện mạo tỉnh ngày càng khởi sắc.
Các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh thường xuyên rà soát, kiểm tra các văn bản pháp luật không còn phù hợp để đề xuất với UBND tỉnh bãi bỏ hoặc sửa đổi, góp phần đảm bảo văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành không trái với những cam kết của Việt Nam trong WTO. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục đào tạo cán bộ để nâng cao chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật tại các cơ quan quản lý nhà nước. Đặc biệt, 2 năm qua, tỉnh thường xuyên tổ chức hội nghị giới thiệu văn bản pháp luật mới cho cán bộ chủ chốt của tỉnh; triển khai thực hiện có hiệu quả “Ngày Pháp luật” tại các cơ quan, tổ chức.
Tỉnh cũng đã chú trọng xây dựng và đồng bộ các yếu tố thị trường. Trong đó, phải kể đến thị trường lao động, tài chính tiền tệ, khoa học - công nghệ, đất đai và bất động sản… Tính đến cuối năm 2014, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đã đạt 45%. Lực lượng này từng bước đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Đối với hoạt động tài chính, hiện nay, các chi nhánh tổ chức tín dụng đã thúc đẩy phát triển hệ thống máy ATM để đáp ứng nhu cầu sử dụng của khách hàng, góp phần cùng tỉnh thực hiện mục tiêu phát triển việc thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn. Tính đến cuối năm 2014, toàn tỉnh lắp đặt được 2.330 thiết bị POS tại 1.652 điểm chấp nhận thẻ, kết nối liên thông mạng lưới thanh toán thẻ qua POS giữa những liên minh thẻ của các ngân hàng thương mại trên địa bàn… Các sở, ban, ngành và địa phương duy trì thực hiện việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xử lý văn bản điện tử trong hoạt động của cơ quan nhà nước…
Để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (DN), giúp các sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường, các ngành, địa phương đẩy mạnh tổ chức tập huấn hỗ trợ DN, định hướng phát triển ngành nghề, đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh phù hợp với sự phát triển chung. Năm 2014, Sở Công Thương đã đề xuất Bộ Công Thương công nhận 12 DN của tỉnh đạt danh hiệu DN xuất khẩu uy tín. Sở đã xem xét hỗ trợ 11 đề án, mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao năng lực quản lý, phát triển một số sản phẩm mới… cho các cơ sở công nghiệp nông thôn; cấp 1.169 giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cho các DN để được hưởng thuế quan ưu đãi tại các nước, góp phần tăng lợi thế cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế…
Bên cạnh đó, tỉnh còn tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác song phương với các vùng, địa phương của nhiều nước trên thế giới; thường xuyên rà soát việc thực hiện các bản ghi nhớ về mối quan hệ hợp tác đã ký kết để hoạt động hợp tác quốc tế được mở rộng và đi vào chiều sâu. Mặt khác, tỉnh đã tổ chức nhiều chương trình gặp gỡ giao lưu, hội thảo, hội nghị xúc tiến đầu tư để giới thiệu về tiềm năng, cơ hội đầu tư kinh doanh tại Khánh Hòa…
Năm 2015 là năm có nhiều sự kiện, dấu mốc quan trọng đánh giá về sự phát triển kinh tế tỉnh. Vì vậy, để việc hội nhập ngày càng sâu rộng hơn, Ban Hội nhập kinh tế quốc tế tỉnh đã triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật đảm bảo phù hợp với các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, của DN và các sản phẩm sản xuất trên địa bàn; xây dựng, củng cố và phát triển các yếu tố của nền kinh tế thị trường một cách đồng bộ; chú trọng công tác giáo dục, đào tạo, phát triển dạy nghề đáp ứng nhu cầu nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội…
ĐẠI HẢI