12:02, 27/02/2015

Sao kỳ vậy?

Ngày Xuân, đâu đó nghe rộn ràng những câu chúc tốt lành. Chúc  may mắn! Chúc mạnh khỏe! Chúc bình an!…

Ngày Xuân, đâu đó nghe rộn ràng những câu chúc tốt lành. Chúc  may mắn! Chúc mạnh khỏe! Chúc bình an!…


Vậy mà...


Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Y tế, từ 28 tháng Chạp đến hết mùng 5 Tết, các cơ sở y tế trên toàn quốc tiếp nhận hơn 6.200 trường hợp nhập viện do đánh nhau, trong đó có 15 trường hợp tử vong. So với những năm trước, con số này đã tăng một cách đột biến.


Thật đáng buồn, Khánh Hòa cũng nằm trong diện có nhiều ca nhập viện do đánh nhau. Trong 9 ngày nghỉ Tết, các bệnh viện trên toàn tỉnh đã tiến hành khám cấp cứu cho 209 ca do đánh nhau. Con số này tăng gần gấp đôi so với năm ngoái.
...
 Tuy nhiên, theo ngành Y, con số nói trên chưa phản ánh hết thực tế. Bởi thương tích do đánh nhau được lưu cùng nhóm với tai nạn sinh hoạt. Có nghĩa là con số thực tế còn cao hơn nữa. Và điều đặc biệt lưu ý là nạn nhân đều còn rất trẻ, thậm chí đang là vị thành niên.


Nhiều người đã thật sự choáng trước thực tế này.


Nguyên nhân ở đâu?


Do rượu? Đúng. Bởi có rất nhiều cuộc ẩu đả, đâm chém có nguyên nhân do rượu. Nhưng, chỉ đúng một phần. Những năm trước, ngày Tết vẫn rượu đó thôi.


Vậy thì điều gì nữa, bên ngoài rượu, khiến nhiều người trẻ tuổi hành xử một cách đầy bế tắc như vậy?


Phải chăng, đó là hậu quả nhãn tiền của những trò giải trí, tiêu khiển đầy bạo lực mà chúng ta không thể kiểm soát hết?


Phải chăng, đó là sự thiếu hụt về nền tảng các giá trị văn hóa, trong đó có văn hóa ứng xử?


Phải chăng, đó là sự non yếu về kỹ năng sống, nhất là trong những tình huống dễ xảy ra mâu thuẫn, xung đột?


Phải chăng, đó là sự lơi lỏng của phụ huynh trong tầm soát hoạt động, trong cách giáo dục tính thiện cho con trẻ?


Người xưa nói: “Nhân chi sơ/ Tính bản thiện”.


Cái “bản thiện” ấy luôn cần được vun đắp, nuôi dưỡng để trở tthành cây lành, trái ngọt. Bằng không, nó sẽ trở thành cỏ dại, thậm chí là cây độc gây chết người.


Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, văn hóa ứng xử đã trở thành một nét đẹp văn hóa của người Việt, được lưu giữ, phát huy và qua nhiều thế hệ. Nó thể hiện triết lý sống của một cộng đồng người và chừng mực nào đó, nó điều chỉnh để cộng đồng duy trì văn hóa ứng xử, ứng xử có văn hóa. Chính vì vậy, cho nên nhiều người mới choáng vì những con số “rất đáng suy ngẫm” nói ở trên.


Vậy thì, qua những con số đáng buồn ấy, chúng ta cần tiến hành điều tra xã hội học, một cách tỉ mỉ, khoa học để tìm cho ra căn nguyên. Ví như phải chẩn được bệnh mới bốc thuốc trúng được vậy.


PHONG NGUYÊN