Diện tích đất có rừng trong toàn tỉnh lên đến 212.903,7ha; nhiều khu vực rừng có trữ lượng gỗ quý lớn nên thời gian qua, trên địa bàn tỉnh thường xuyên xuất hiện những điểm nóng phá rừng.
Diện tích đất có rừng trong toàn tỉnh Khánh Hòa lên đến 212.903,7ha; nhiều khu vực rừng có trữ lượng gỗ quý lớn nên thời gian qua, trên địa bàn tỉnh thường xuyên xuất hiện những điểm nóng phá rừng. Tuy các lực lượng chức năng, đơn vị chủ rừng đã tăng cường tuần tra, kiểm soát nhưng tình trạng phá rừng vẫn tiếp diễn. Nguyên nhân được đưa ra là do lực lượng làm công tác quản lý, bảo vệ rừng (QL-BVR) còn mỏng nên bám không xuể địa bàn được giao. Bên cạnh đó, vẫn còn hiện tượng cán bộ thực thi công vụ tiếp tay cho lâm tặc...
Gần đây, một số chủ trương, chính sách mới được UBND tỉnh và Chi cục Kiểm lâm triển khai đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác QL-BVR.
Trong đó, UBND tỉnh đã triển khai Đề án chi trả dịch vụ môi trường rừng, thành lập Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng (BV-PTR). Theo Đề án này, trên địa bàn tỉnh có 3 nhóm đối tượng sử dụng dịch vụ môi trường rừng phải chi trả phí gồm: các nhà máy thủy điện, đơn vị sản xuất và cung ứng nước sạch, cơ sở kinh doanh du lịch cảnh quan. Nguồn thu từ phí dịch vụ môi trường rừng sẽ được trích để chi trả cho các chủ rừng, trích một phần cho Quỹ BV-PTR Việt Nam, quỹ của tỉnh để chi cho công tác quản lý, bổ sung kinh phí dự phòng...
Việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng được xem là biện pháp để huy động tối đa nguồn lực, động lực thúc đẩy thực hiện tốt công tác QL-BVR. Tuy mới đi vào hoạt động khoảng 5 tháng, nhưng Quỹ BV-PTR tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng cho các chủ rừng, giúp cho các đơn vị QL-BVR có thêm kinh phí để tăng cường tuần tra, đầu tư những công trình lâm sinh, làm tốt công tác khoanh nuôi tái sinh rừng.
Mặt khác, để nâng cao vai trò, trách nhiệm của lực lượng Kiểm lâm, thời gian qua, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã chuyển đổi vị trí công tác của 5 hạt trưởng, 8 trạm trưởng và 19 công chức không giữ chức vụ lãnh đạo; điều động 22 công chức và lao động hợp đồng để tăng cường lực lượng cho Hạt Kiểm lâm huyện Khánh Vĩnh và Đội Kiểm lâm cơ động. Công tác này nhằm tăng cường lực lượng làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát, truy quét đối tượng phá rừng tại các địa bàn thường xảy ra điểm nóng. Việc chuyển đổi vị trí công tác trong lực lượng Kiểm lâm đã góp phần nâng cao hiệu quả QL-BVR trên địa bàn tỉnh, nhất là ở các địa bàn có điểm nóng. Trước đây, huyện Khánh Vĩnh luôn là điểm nóng, phức tạp về nạn phá rừng, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép. Tình trạng này kéo dài nhưng vẫn không thể xử lý dứt điểm. Thế nhưng, từ khi Chi cục Kiểm lâm tỉnh tăng cường, điều chuyển lực lượng tại địa bàn này và đưa lực lượng của Đội Kiểm lâm cơ động tỉnh đến đóng chốt, công tác QL-BVR trên địa bàn huyện đã có hiệu quả thấy rõ. Điểm nóng phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép tại các xã cánh Tây huyện đã được đẩy lùi; nhiều vụ vi phạm Luật BV-PTR được kịp thời phát hiện, xử lý.
Việc chuyển đổi vị trí công tác của lực lượng Kiểm lâm ở các địa bàn khác cũng đã phát huy hiệu quả. Nhờ đó, năm 2014, số vụ vi phạm Luật BV-PTR trong toàn tỉnh giảm 121 vụ so với năm 2013. Đến thời điểm này, trên địa bàn toàn tỉnh không còn điểm nóng khai thác, vận chuyển trái phép lâm sản.
Những chủ trương, chính sách hợp lý nêu trên đã tạo ra sự chuyển biến mới trong công tác QL-BVR. Từ chủ rừng đến lực lượng Kiểm lâm đã phát huy hết vai trò, trách nhiệm của mình để giữ rừng. Hy vọng, thời gian tới, các cơ quan chức năng trên địa bàn tiếp tục có những giải pháp hiệu quả để khắc phục triệt để mặt còn tồn tại trong công tác QL-BVR.
ĐẠI HẢI