11:01, 08/01/2015

Thế đứng mới

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt "Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Duyên hải Nam Trung bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030".

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Duyên hải Nam Trung bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.


Mục tiêu tổng quát của quy hoạch là khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng để phát triển du lịch biển, đảo trở thành thế mạnh hàng đầu của du lịch Việt Nam; phát triển các đô thị du lịch hiện đại, các khu du lịch, điểm du lịch quốc gia với các cơ sở dịch vụ cao cấp. Phấn đấu đến năm 2020 đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng và phấn đấu đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế của vùng, góp phần khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển và hải đảo Việt Nam. Mục tiêu đến năm 2030 thu hút khoảng 25 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 7,5 triệu lượt khách quốc tế; đạt doanh thu khoảng 160.000 tỷ đồng; tạo việc làm cho khoảng 700.000 lao động...


Theo quyết định này, TP. Nha Trang thành trung tâm du lịch của tiểu vùng du lịch phía Nam, đồng thời giữ vai trò trung tâm phụ trợ của vùng; TP. Đà Nẵng trở thành trung tâm du lịch của vùng và tiểu vùng du lịch phía Bắc; TP. Quy Nhơn (Bình Định) thành trung tâm phụ trợ của tiểu vùng du lịch phía Bắc và TP. Phan Thiết (Bình Thuận) thành trung tâm phụ trợ của tiểu vùng du lịch phía Nam...


Về phát triển sản phẩm du lịch, ưu tiên phát triển 2 nhóm sản phẩm chính: Nhóm sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển và nhóm sản phẩm du lịch gắn với di sản văn hóa thế giới.


Có thể thấy, Nha Trang, Khánh Hòa ngày càng thể hiện được vị thế của mình trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới. Đà Nẵng được chọn làm trung tâm ở phía Bắc. Nha Trang là trung tâm phía Nam. Cả hai địa phương này đều đáp ứng được một số yêu cầu về tiềm năng, lợi thế phát triển các nhóm sản phẩm du lịch phù hợp.


Được đưa vào quy hoạch như vậy, Nha Trang sẽ có điều kiện phát triển tốt hơn. Song, trước mắt cũng như về lâu dài đang còn rất nhiều việc phải làm.


Trước hết là đầu tư phát triển, hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch. Bên cạnh việc mở rộng, nâng cấp cơ sở lưu trú, Khánh Hòa quyết tâm xây dựng đường băng số 2 cho Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh; xây dựng cảng biển du lịch Nha Trang theo hướng hiện đại.


Để phát huy vai trò là trung tâm tiểu vùng phía Nam, Khánh Hòa phải có những sản phẩm du lịch phù hợp theo định hướng, thu hút được du khách, không chỉ có nâng cao số lượt khách mà cả thời gian lưu trú cũng  mức sử đụng dịch vụ của du khách. So với nhiều địa phương khác trong vùng, tiềm năng phát triển nhóm sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển của Khánh Hòa là rất lớn. Ấy là nói trên lý thuyết, còn tạo ra những sản phẩm gì, chất lượng thế nào, giá cả ra sao vẫn là câu chuyện cần được quan tâm một cách đúng mức để có những sản phẩm du lịch có tính chất đặc thù của vùng miền.


Nhân lực phục vụ du lịch cũng là câu chuyện được nhiều người đặc biệt quan tâm. Theo đề án dự thảo, từ nay đến năm 2020, Trường Đại học Khánh Hòa tuyển sinh đào tạo trình độ đại học 4 ngành nghề: Quản lý văn hóa; Biểu diễn nhạc cụ truyền thống; Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành; Anh văn, Nga văn. Dễ thấy, cơ cấu đào tạo như vậy đã phần nào nhắm tới tính lợi thế, phù hợp với đặc trưng phát triển văn hóa, du lịch biển, đảo.


Từ quy hoạch này, Nha Trang có một thế đứng mới, vận hội mới trong phát triển kinh tế du lịch, đặc biệt là du lịch biển, đảo.


PHONG NGUYÊN