Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, 10 năm trở lại đây, Khánh Hòa phải hứng chịu nhiều thiên tai, gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế - xã hội cũng như tính mạng con người. Chỉ tính từ năm 1999 đến 2009, toàn tỉnh có 83 người chết, thiệt hại về kinh tế khoảng 450 tỷ đồng.
Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, 10 năm trở lại đây, Khánh Hòa phải hứng chịu nhiều thiên tai, gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế - xã hội cũng như tính mạng con người. Chỉ tính từ năm 1999 đến 2009, toàn tỉnh có 83 người chết, thiệt hại về kinh tế khoảng 450 tỷ đồng. Đặc biệt, 5 năm trở lại đây, tình hình lũ lụt ngày càng diễn biến khốc liệt, số trận lũ trên các sông có xu hướng gia tăng.
Trước thực tế trên, để giúp các hộ nghèo chưa có nhà ở hoặc có nhà ở nhưng tình trạng nhà không kiên cố, không có khả năng phòng tránh bão lụt, mới đây, UBND tỉnh đã có Quyết định phê duyệt Đề án hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng tránh lũ, lụt trên địa bàn tỉnh.
Mục tiêu Đề án là hỗ trợ hộ nghèo trong vùng thường xuyên bị thiên tai bão, lụt xây dựng nhà ở phòng tránh bão, lụt để có chỗ ở an toàn, ổn định, từng bước nâng cao mức sống, góp phần xóa đói giảm nghèo. Để thực hiện Đề án, UBND tỉnh đã giao Sở Xây dựng nghiên cứu thiết kế tối thiểu 3 mẫu nhà ở phòng, tránh bão, lụt điển hình, có diện tích tối thiểu 24m2, tuổi thọ ít nhất 10 năm trở lên, phù hợp với phong tục, tập quán của từng địa phương để phổ biến, giới thiệu cho các hộ gia đình áp dụng hoặc nghiên cứu tham khảo; đồng thời, có hướng dẫn cụ thể đối với những trường hợp cải tạo, nâng tầng làm sàn nhà phòng, tránh bão, lụt.
Theo Đề án, mỗi hộ nghèo sẽ được hỗ trợ từ 12 đến 16 triệu đồng/hộ tùy địa bàn cư trú. Ngoài ra, các hộ có nhu cầu sẽ được vay ưu đãi 15 triệu đồng/hộ từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Tổng nguồn vốn thực hiện Đề án hơn 33,4 tỷ đồng. Trong đó, vốn Trung ương và địa phương hơn 3,9 tỷ đồng, vốn vay tín dụng ưu đãi hơn 4,6 tỷ đồng, vốn huy động hơn 29,4 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ nay đến năm 2016 với số hộ được hỗ trợ là 308 hộ.
Có thể nói, việc hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở sẽ góp phần nâng cao đời sống của hộ nghèo, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa, giúp họ “an cư lạc nghiệp”. Tuy nhiên, để chương trình thật sự phát huy hiệu quả, đúng mục đích, đối tượng, ngoài công tác điều hành, chỉ đạo, cùng với chọn mẫu nhà phù hợp với phong tục, tập quán của người dân, chịu được thiên tai, bão lũ... vấn đề quan trọng là công tác bình chọn, xét đối tượng thụ hưởng phải được tiến hành công khai, công bằng. Bên cạnh đó, phải gắn Đề án hỗ trợ về nhà ở với Chương trình xây dựng nông thôn mới cũng như thực hiện lồng ghép với các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, các chính sách dành cho các vùng đặc biệt khó khăn... Cùng với sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội, nguồn lực huy động từ gia đình, dòng họ, từ các hộ nghèo và cộng đồng dân cư cũng chiếm số lượng không nhỏ. Vì vậy, vai trò của cán bộ cơ sở, bao gồm cả chính quyền và các tổ chức chính trị, xã hội, nhất là vai trò của Mặt trận Tổ quốc là rất quan trọng, góp phần không nhỏ trong việc thực hiện Đề án.
Ngọc Khánh