Theo kết quả giám sát của HĐND tỉnh về hoạt động dạy nghề, hoạt động đào tạo trình độ sơ cấp nghề trên địa bàn được thực hiện khá tốt; đáp ứng được nhu cầu học nghề, giải quyết việc làm cho người lao động ở nông thôn.
Theo kết quả giám sát của HĐND tỉnh về hoạt động dạy nghề, hoạt động đào tạo trình độ sơ cấp nghề trên địa bàn được thực hiện khá tốt; đáp ứng được nhu cầu học nghề, giải quyết việc làm cho người lao động ở nông thôn. Thực tế, đã có mô hình rất tốt, như ở Khánh Sơn, công tác đào tạo nghề được gắn với tìm việc làm; học viên ra trường có chỗ làm việc, thu nhập ổn định.
Tuy nhiên, hoạt động đào tạo trình độ trung cấp nghề lại gặp rất nhiều khó khăn. Hầu hết các trường đều không tuyển sinh đạt kế hoạch; lượng học sinh (HS) không tương xứng với quy mô đầu tư và có chiều hướng giảm dần qua các năm.
Trong 5 trường trung cấp nghề trên địa bàn, Trường Trung cấp Nghề Ninh Hòa được đánh giá là hoạt động khá tốt, tuyển sinh gần đạt chỉ tiêu được giao nhưng cũng chỉ đạt từ 52 đến 62% quy mô đầu tư. Trường Trung cấp Nghề Cam Lâm được đầu tư hơn 55 tỷ đồng nhưng năm 2013 chỉ tuyển sinh được 43 HS, đạt 35,8% chỉ tiêu và đạt có 4,3% quy mô đầu tư. Thậm chí, Trường Trung cấp Nghề Diên Khánh năm 2013 không tuyển được HS nào, trong khi trên địa bàn huyện có khoảng hơn 200 em HS đã tốt nghiệp THCS nhưng chưa được vào học tại sơ sở giáo dục - đào tạo nào.
Rõ ràng, những con số nói trên là rất đáng suy nghĩ. Vì sao chúng ta đã đầu tư khá mạnh, khá nhiều cho hệ thống trường dạy nghề nhưng kết quả thu được là chưa tương xứng, chưa thu hút được nhiều HS?
Có thể tạm nêu mấy nguyên nhân.
Thứ nhất, đại đa số phụ huynh vẫn muốn con em mình học tiếp lên bậc THPT, sau này có điều kiện làm “thầy”, không muốn làm “thợ”.
Thứ hai, việc thực hiện phân luồng HS sau cấp học THCS hiện nay còn nhiều bất cập. Theo kế hoạch của Tỉnh ủy, đến năm 2015, có ít nhất 15%; đến năm 2020 có ít nhất 30% HS sau khi tốt nghiệp THCS vào học trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề. Thực hiện kế hoạch này, đầu mỗi năm học, Sở Giáo dục và Đào tạo giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 năm sau cho các trường THPT công lập bằng 85% số HS lớp 9 đầu năm. Số 15% HS còn lại vào học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên, trường THPT ngoài công lập và các trường trung cấp nghề. Vậy nhưng, đến lúc tuyển sinh vào lớp 10 công lập, số HS nộp hồ sơ vào các trường THPT lại ít hơn số lượng HS lớp 9 đầu năm. Để tuyển sinh đạt chỉ tiêu, các trường THPT đã tuyển sinh hơn mức 85%. Vì vậy, các trường dạy nghề trung cấp chỉ tuyển được số lượng rất ít HS trong số còn lại.
Thứ ba, hoạt động dạy nghề của các trường trung cấp nghề hiện nay chưa mang lại hiệu quả như mong muốn của HS và phụ huynh; chưa có những ngành nghề mũi nhọn, đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp tuyển dụng.
Từ thực tế nói trên, để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề ở trình độ trung cấp, trước mắt, cần có định hướng hoạt động dạy nghề một cách cụ thể để nội dung đào tạo đáp ứng được yêu cầu thực tế. Cạnh đó, chúng ta cần tính toán, có giải pháp thực hiện phân luồng HS tốt hơn, hiệu quả hơn theo kế hoạch của Tỉnh ủy.
Làm được như vậy, chúng ta có cơ sở vững chắc thực hiện quy hoạch lại hệ thống các trường THPT và các trường dạy nghề; có hướng đầu tư phù hợp trong giai đoạn 2016 - 2020.
PHONG NGUYÊN