05:11, 17/11/2014

Ưu tiên dùng hàng Việt

5 năm qua, các cấp ủy, sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể, địa phương trong tỉnh đã quan tâm triển khai thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" của Bộ Chính trị.

5 năm qua, các cấp ủy, sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể, địa phương trong tỉnh đã quan tâm triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Bộ Chính trị.


Để hưởng ứng và thực hiện Cuộc vận động này, các cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp (DN) trong tỉnh đã tuyên truyền cho cán bộ, công nhân viên chức, người lao động ưu tiên sử dụng sản phẩm, dịch vụ trong nước.

Trong đó, Sở Công Thương đã phối hợp với Đoàn Thanh niên, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh và các DN tổ chức mit tinh, diễu hành kêu gọi người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp thực hiện chương trình kích cầu du lịch nội địa hướng về biển, đảo quê hương với chủ đề “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”… Với việc tuyên truyền, vận động có hiệu quả, phần lớn người tiêu dùng trong tỉnh đã thấy được những ưu thế, chất lượng trong từng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam để an tâm sử dụng.


Đi đầu trong việc vận động sử dụng hàng nội có thể kể đến Hội Doanh nhân trẻ tỉnh. Hội đã thường xuyên họp mặt, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm của DN hội viên, vận động hội viên sử dụng sản phẩm của nhau. Qua đó, đã có nhiều hợp đồng được ký kết sử dụng sản phẩm, dịch vụ trong các DN hội viên, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tạo điều kiện hỗ trợ nhau cùng phát triển. Nhiều DN đã đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu đứng vững trên thị trường khi nhận được các giải thưởng như: Thương hiệu Việt, Hàng Việt Nam chất lượng cao, Sao vàng đất Việt… Bên cạnh đó, các DN lữ hành, khách sạn, nhà hàng, các khu du lịch, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh cũng tổ chức nhiều đợt khuyến mại hấp dẫn đến khách hàng trong tỉnh và cả nước nhằm kích cầu du lịch, tiêu dùng…


Nhằm quảng bá sản phẩm của tỉnh cũng như trong nước, 5 năm qua, các cơ quan chức năng trong tỉnh đã phối hợp tổ chức 34 hội chợ, triển lãm với gần 3.600 DN tham gia ở 6.487 gian hàng; thu hút hơn 2,9 triệu lượt khách đến tham qua, mua sắm; tổng doanh thu bán hàng hơn 168,1 tỷ đồng. Ngoài ra, cơ quan chức năng của tỉnh đã phối hợp với các DN tổ chức 12 đợt đưa hàng Việt về nông thôn. Các phiên chợ hàng Việt về nông thôn đã thu hút hơn 91.500 lượt khách hàng đến tham quan, mua sắm…


Có thể thấy, thông qua Cuộc vận động, hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, các DN đã xác định cuộc vận động là cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội tỉnh, phát triển DN, tạo điều kiện cho người tiêu dùng tiếp cận và sử dụng những sản phẩm, dịch vụ trong nước có chất lượng với giá thành hợp lý. Cuộc vận động này cũng đặt lên vai các DN trách nhiệm đối với từng loại sản phẩm khi đưa ra thị trường, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và hội nhập quốc tế.


Tuy nhiên, hiện nay, nhận thức “dùng hàng Việt Nam là yêu nước” chưa thực sự trở thành nếp nghĩ của đông đảo hộ gia đình. Cơ chế chính sách, giải pháp quản lý nhà nước nhằm thúc đẩy sản xuất, tạo điều kiện cho hàng hóa thương hiệu Việt phát triển vẫn chưa được thực hiện tốt, đặc biệt là công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại… Những tồn tại này đang là thách thức đối với cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức đoàn thể và cộng đồng DN trong việc chung tay với Cuộc vận động nhằm góp phần làm cho người tiêu dùng hiểu, ưa chuộng và sử dụng hàng Việt Nam trong thời gian tới.


 ĐẠI HẢI