12:11, 28/11/2014

Tự đổi mới

Trong buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tình hình thực hiện các nhiệm vụ chính trị địa phương nhiệm kỳ 2010 - 2015, Đoàn công tác của Tiểu ban Văn kiện Đại hội XII của Đảng do ông Đinh Thế Huynh - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Trưởng Tiểu ban Thường trực Tiểu ban Văn kiện dẫn đầu đánh giá cao kết quả toàn diện trên nhiều lĩnh vực của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Khánh Hòa.

Trong buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tình hình thực hiện các nhiệm vụ chính trị địa phương nhiệm kỳ 2010 - 2015, Đoàn công tác của Tiểu ban Văn kiện Đại hội XII của Đảng do ông Đinh Thế Huynh - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Trưởng Tiểu ban Thường trực Tiểu ban Văn kiện dẫn đầu đánh giá cao kết quả toàn diện trên nhiều lĩnh vực của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Khánh Hòa.


Chuẩn bị đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XII của Đảng, vấn đề đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đang được đặc biệt quan tâm. Trung ương đang lắng nghe, từ thực tiễn các địa phương, các ngành nghề, các thành phần dân tộc những ý kiến góp ý xây dựng hệ thống chính trị; những đề xuất hướng nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách để nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng.


Nhìn lại thực tiễn gần 5 năm qua, trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương cũng như các chủ trương, chính sách lớn của Trung ương, Khánh Hòa có nhiều điểm nổi bật. Trong đó, nổi bật nhất là Khánh Hòa đã tập trung nguồn lực cho 4 chương trình kinh tế - xã hội, gắn với phát triển 3 vùng kinh tế trọng điểm; kết hợp vững chắc giữa phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh; thực hiện hiệu quả Chiến lược biển Việt Nam.


Với cách làm như vậy, các nguồn lực được tập trung cao độ, đúng trọng tâm, trọng điểm và đúng định hướng chiến lược. Nhờ đó, cơ sở hạ tầng có điều kiện phát triển; thế mạnh từng vùng, từng ngành được phát huy; đời sống người dân, từ thành thị đến nông thôn, miền núi từng bước được nâng lên. Cạnh đó, những điểm yếu cố hữu của các vùng, các ngành đều có định hướng, giải pháp khắc phục. Không chỉ vậy, thực hiện phương châm “tỉnh sát xã, huyện sát thôn, xã sát hộ dân”, những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn cuộc sống đã được nắm bắt kịp thời và đầy đủ. Đây chính là cơ sở vững chắc để Tỉnh ủy Khánh Hòa tự điều chỉnh, bổ sung những chủ trương, chính sách của chính mình và có ý kiến đề xuất điều chỉnh, bổ sung những chủ trương, chính sách của Trung ương. Chính nhờ cơ sở ấy mà tại buổi làm việc, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm; những kiến nghị thiết thực góp phần hoàn thiện Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XII của Đảng, được đoàn công tác ghi nhận, đánh giá cao.


Chúng ta đều biết, phương thức lãnh đạo của Đảng là hệ thống biện pháp, phương pháp mà Đảng sử dụng để tác động đến đối tượng lãnh đạo nhằm thực hiện nhiệm vụ chính trị do Đảng đề ra. Phương thức lãnh đạo của Đảng không bất biến mà luôn thay đổi theo thời gian, theo từng giai đoạn cách mạng và nhiều yếu tố khác. Sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo và phù hợp vai trò lãnh đạo thông qua xây dựng và triển khai thực hiện chính sách, chủ trương không chỉ nâng cao hiệu quả các mặt công tác mà ngày càng nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, nâng cao uy tín của Đảng. Câu chuyện về lãnh đạo tập trung nguồn lực cho 4 chương trình kinh tế - xã hội, gắn với phát triển 3 vùng kinh tế trọng điểm của Khánh Hòa là một trong những ví dụ sinh động minh chứng cho điều ấy.


Một câu chuyện khác của Khánh Hòa cũng được Tiểu ban Văn kiện Đại hội XII của Đảng lấy làm tâm đắc là các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy đều được phân công trực tiếp phụ trách một địa bàn khó khăn. Và, mỗi đồng chí Thường vụ đều được quyền giải quyết chi 1 tỷ đồng mỗi năm từ ngân sách tỉnh cho những xã khó khăn được phụ trách để xử lý công việc nảy sinh; xây dựng các công trình đáp ứng nhu cầu cấp bách của nhân dân địa phương. Cơ chế này giúp các đồng chí Thường vụ chủ động giải quyết công việc, bảo đảm kịp thời, hiệu quả.


Xuất phát từ thực tiễn; xây dựng được chính sách, tạo được cơ chế phù hợp luôn là nền tảng cơ bản để các địa phương, đơn vị xác định đường hướng đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Những yếu tố ấy có được từ trong quá trình học tập, rèn luyện; tự đổi mới trong tư duy, trong cách nghĩ, cách làm.


PHONG NGUYÊN