01:11, 24/11/2014

Khai thác, chế biến khoáng sản

Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện khoáng sản ở Việt Nam đang đối mặt với tình trạng khai thác bừa bãi, gây suy thoái môi trường, làm mất cân bằng sinh thái.

Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện khoáng sản ở Việt Nam đang đối mặt với tình trạng khai thác bừa bãi, gây suy thoái môi trường, làm mất cân bằng sinh thái.


Ở Khánh Hòa, Vạn Ninh là địa phương tập trung nhiều doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản. Hầu hết DN hoạt động trong lĩnh vực này đều do bộ và tỉnh cấp giấy phép, nên khi nảy sinh các vấn đề về môi trường trong quá trình hoạt động, công tác quản lý của địa phương gặp nhiều khó khăn.


Theo thống kê, trên địa bàn huyện hiện có 15 DN hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản, tập trung chủ yếu trong lĩnh vực khai thác đá granite và đá làm vật liệu xây dựng. Trong số này có 4 DN được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép khai thác, 10 DN được UBND tỉnh cấp phép khai thác tạm thời 1 đến 3 năm. Tuy nhiên đến nay, 3/15 giấy phép đã hết hạn, nhiều DN được gia hạn từ 3-4 lần.


Lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Vạn Ninh cho biết, theo quy định, các đơn vị chỉ báo cáo tình hình hoạt động (thiết kế, khai thác, nghĩa vụ tài chính, phục hồi môi trường) cho các cơ quan cấp tỉnh nên trong chừng mực nào đó, cấp huyện quản lý lĩnh vực này còn khó khăn. Ngoài ra, vẫn còn nhiều DN chưa thực hiện ký quỹ môi trường và các nội dung cam kết bảo vệ môi trường theo quy định, nên việc xử lý các vấn đề về môi trường còn hạn chế, ảnh hưởng đến người dân xung quanh.


Được biết, trong số 8 DN được cấp phép chế biến đá granite, hiện chỉ có vài đơn vị đầu tư dây chuyền, công nghệ mới nhằm hạn chế tác động đến môi trường. Lãnh đạo một công ty vật liệu xây dựng cho biết, việc thu gom bụi đá, tái sử dụng nước trong khai thác đá sẽ tiết kiệm khoảng 30% chi phí sản xuất, nhưng quan trọng là góp phần bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, do khó khăn về kinh phí nên hầu hết  các DN chưa đầu tư được dây chuyền công nghệ mới, góp phần bảo vệ môi trường.


Khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản một cách hợp lý và bền vững là trách nhiệm không chỉ đối với hiện tại mà còn đối với các thế hệ tương lai. Chính vì vậy, chủ trương của tỉnh là tăng cường chế biến khoáng sản, hạn chế sản xuất thô. Tuy nhiên, với công nghệ xử lý của các DN hiện nay, yếu tố môi trường chưa được đảm bảo. Để giải quyết vấn đề này, thời gian tới, bên cạnh sự vào cuộc của các bộ, ngành chức năng, UBND huyện Vạn Ninh sẽ tăng cường công tác kiểm tra nhằm ngăn chặn kịp thời các hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trái phép. Bên cạnh đó, kiến nghị cấp trên có cơ chế tăng thẩm quyền cho cấp tỉnh, huyện cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và khoáng sản nhỏ lẻ, nhằm đưa công tác quản lý đạt hiệu quả cao.


Ngọc Khánh