11:11, 09/11/2014

Đầu ra cho nông sản

Với hơn 14.000ha cây ăn quả, trong đó có nhiều loại nông sản có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, dừa, xoài, chôm chôm, mít... những năm qua, vấn đề tìm đầu ra ổn định cho nông sản luôn được các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh quan tâm, bước đầu đã đạt một số kết quả.

Với hơn 14.000ha cây ăn quả, trong đó có nhiều loại nông sản có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, dừa, xoài, chôm chôm, mít... những năm qua, vấn đề tìm đầu ra ổn định cho nông sản luôn được các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh quan tâm, bước đầu đã đạt một số kết quả.


Tại hệ thống siêu thị Co.opmart, thời gian qua, những quả sầu riêng mang nhãn hiệu “sầu riêng Khánh Sơn” được tiêu thụ khá mạnh. Đây được xem là kênh tiêu thụ ổn định của người trồng sầu riêng Khánh Sơn. Để tìm đầu ra cho các loại nông sản có giá trị khác của địa phương như mít, chôm chôm, mía tím... UBND huyện Khánh Sơn đã xúc tiến làm việc với các hệ thống siêu thị khác trên địa bàn tỉnh. So với cách đây vài năm, lượng hàng nông sản của Khánh Sơn nói riêng, tỉnh Khánh Hòa nói chung được đưa vào siêu thị ngày càng nhiều. Đại diện siêu thị Co.opmart Cam Ranh cho biết, mỗi ngày siêu thị tiêu thụ hơn 1 tấn trái cây của các địa phương trong tỉnh, được người tiêu dùng đánh giá khá tốt về chất lượng. Điều này cho thấy, khả năng cạnh tranh của nông sản Khánh Hòa đang tăng lên. Đây cũng là kết quả sau một thời gian thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao giá trị nông sản của tỉnh. Trong đó có việc đẩy mạnh nghiên cứu, triển khai một số đề tài về giống cây trồng, các biện pháp canh tác, phương pháp phòng trừ sâu bệnh, công nghệ thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch, tạo lập thương hiệu cho nông sản... Theo kế hoạch, sau khi xây dựng thành công thương hiệu sầu riêng Khánh Sơn, cơ quan chức năng sẽ xúc tiến xây dựng thương hiệu cho dừa Ninh Đa, xoài Cam Lâm, lúa Ninh Hòa...


Vấn đề đặt ra là, trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ nông sản hiện nay, nông sản vẫn gặp nhiều khó khăn do số lượng nông sản làm ra chưa đáp ứng được nhu cầu, còn mang tính thời vụ, bà con còn thiếu thông tin, kiến thức để tiếp cận các hình thức mua bán, sự tham gia của doanh nghiệp vào chuỗi còn ít.


Để nâng cao chất lượng và tìm đầu ra ổn định cho nông sản, tỉnh đã ban hành kế hoạch hành động thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, nhằm nâng cao chất lượng, tăng giá trị và sức cạnh tranh của nông sản. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, bên cạnh linh hoạt trong lựa chọn hình thức tiêu thụ nông sản phù hợp, tỉnh cần đẩy mạnh công tác quy hoạch hình thành các vùng sản xuất hàng hóa nông sản tập trung, chuyên canh, gắn sản xuất nguyên liệu với công nghiệp chế biến và thị trường; hướng dẫn bà con tập trung sản xuất những cây trồng vật nuôi có thị trường và năng suất cao, giá thành hạ để nâng cao sức cạnh tranh; hỗ trợ các địa phương thực hiện dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất nhằm hạn chế tình trạng sản xuất manh mún; tổ chức lại sản xuất nông nghiệp dưới hình thức hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, các hiệp hội, ngành hàng để các tổ chức này hỗ trợ tiêu thụ nông sản cũng như bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nông dân...


Ngọc Khánh