Mấy tuần trước, xem những bức ảnh trên mạng đăng kèm thông tin về cuộc thi quảng bá di sản Việt, chợt thấy hình ảnh đất nước đẹp đến lạ, từ một phố cổ Hội An lung linh trong đêm, cho đến Sa Pa với ruộng bậc thang ngút mắt... Cứ nhìn từ những khuôn hình đó thì cũng chẳng gì khó hiểu khi nhiều điểm đến của du lịch Việt Nam được các trang web du lịch nổi tiếng thế giới bình chọn là đẹp, là hấp dẫn.
Mấy tuần trước, xem những bức ảnh trên mạng đăng kèm thông tin về cuộc thi quảng bá di sản Việt, chợt thấy hình ảnh đất nước đẹp đến lạ, từ một phố cổ Hội An lung linh trong đêm, cho đến Sa Pa với ruộng bậc thang ngút mắt... Cứ nhìn từ những khuôn hình đó thì cũng chẳng gì khó hiểu khi nhiều điểm đến của du lịch Việt Nam được các trang web du lịch nổi tiếng thế giới bình chọn là đẹp, là hấp dẫn. Đại loại như: Hà Nội lọt vào top 10 thành phố giàu bản sắc văn hóa nhất thế giới với vẻ đẹp cổ kính và cũng không kém phần thơ mộng mà ấn tượng; vịnh Hạ Long vào top 10 điểm câu cá thú vị nhất thế giới; Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam hấp dẫn thứ 4 châu Á; Việt Nam - điểm đến hàng đầu cho người thích du lịch một mình; ruộng bậc thang Sa Pa lọt top địa danh đẹp nhất hành tinh du lịch...
Ở một chừng mực nào đó, những bình chọn trên là sự thừa nhận về sức hút vẻ đẹp của đất nước Việt Nam. Nghe cũng thêm tự hào về đất nước mình khi du lịch Việt có được những điểm cộng đối với cộng đồng thế giới.
Thế nhưng, tất cả những điểm cộng đó chợt bị che mờ chỉ bằng một con số thống kê. Cụ thể, theo kết quả về cuộc khảo sát do Ban quản lý chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội cho thấy, chỉ có 6% khách quốc tế quay lại các điểm du lịch tại Việt Nam, mà nguyên nhân lý giải vẫn là những điều chẳng mới khiến du khách không có sự hài lòng như nạn “chặt chém”, chèo kéo khách hay ô nhiễm môi trường...
Chợt nhớ, cách đây chưa lâu, Tổng cục Du lịch có làm việc với đại diện kênh truyền hình BBC về kế hoạch hợp tác quảng bá du lịch Việt Nam. Theo đó, BBC sẽ xây dựng video clip quảng bá du lịch Việt Nam độ dài 30 giây với các địa điểm như Hà Nội, vịnh Hạ Long, Ninh Bình, Sa Pa, Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng, Hội An... phát trên kênh truyền hình BBC ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương; mỗi ngày phát 3 lần, trong 3 tháng. BBC cũng hỗ trợ một video clip nhỏ về du lịch Việt Nam chèn vào trước mỗi tin trên website của BBC. Đó là một dự án tuyệt vời để đưa hình ảnh đất nước đến với thế giới, một cách quảng bá hiệu quả cho du lịch Việt. Nói đến chuyện này lại nhớ đến video clip do một nhóm du khách Hàn Quốc quay phong cảnh Việt Nam nói chung, Nha Trang nói riêng đã làm dậy sóng cộng đồng mạng năm 2012 bởi sự bất ngờ trước vẻ đẹp khác lạ, hấp dẫn của Nha Trang. Còn gì hiệu quả hơn khi chính du khách các nước quảng bá thay cho người bản địa!
Thế nhưng, ẩn sau những khuôn hình lung linh đó là một thực tế với những điểm trừ không hề nhỏ.
Trở lại với con số 6% cho ta rút ra một điều rằng, những clip quảng bá đó có đẹp và hấp dẫn đến đâu, có vươn xa đến đâu nhưng một khi không làm cho du khách hết phàn nàn về một môi trường du lịch chưa văn minh thì những nỗ lực quảng bá ấy cũng sẽ chẳng thể nào tỉ lệ thuận với con số du khách nước ngoài bày tỏ mong muốn trở lại Việt Nam thêm lần nữa.
Và đó là chuyện không chỉ của những người làm du lịch mà còn là chuyện của mỗi người dân ở từng điểm đến trong nỗ lực tạo nên mảnh ghép hoàn hảo cho một môi trường văn hóa du lịch văn minh bên cạnh sự thân thiện.
B.T