Tại giao ban sáng 24-10, sau khi nghe Công an tỉnh Khánh Hòa báo cáo về những khó khăn trong việc xử lý người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Chiến Thắng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Công an chủ trì, làm báo cáo về thực trạng này để tỉnh kiến nghị lên Trung ương có hướng tháo gỡ.
Tại giao ban sáng 24-10, sau khi nghe Công an tỉnh Khánh Hòa báo cáo về những khó khăn trong việc xử lý người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Chiến Thắng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Công an chủ trì, làm báo cáo về thực trạng này để tỉnh kiến nghị lên Trung ương có hướng tháo gỡ.
Nguyên do là Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 có hiệu lực từ ngày 1-1-2014. Luật quy định việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên do Tòa án nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định. Mặt khác, quy trình, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc… là rất phức tạp.
Theo quy định, trước khi đưa đi cai nghiện tập trung, người nghiện phải được các tổ chức xã hội giáo dục tại địa phương từ 3 - 6 tháng. Tiếp đó nếu không được thì các cơ quan chức năng (ở đây là cơ quan Tư pháp, Công an và cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện) phải xét nghiệm dương tính với chất gây nghiện, họp xét quyết định chính thức giao cho Tòa án quyết định… Trong khi đó, Luật không quy định là tổ chức nào hay phải thành lập ra một tổ chức mới. Có thể nói, để đưa được người nghiện vào cai nghiện tập trung, thủ tục rất rườm rà, mất nhiều thời gian. Đặc biệt là ngành Tòa án hiện vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này, do vậy trên thực tế, từ đầu năm đến nay việc đưa người nghiện đi cai nghiện gần như bỏ trống.
Không thể phủ nhận Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 đã đưa ra xử lý người nghiện ma túy theo hướng tiến bộ, tôn trọng quyền con người. Tuy nhiên, các quy trình đề ra lại không thực tế, rườm rà, thêm quá nhiều việc cho bộ máy trong khi tình trạng nghiện ma túy trong xã hội ngày càng diễn biến phức tạp.
Thời gian qua, các quy định pháp luật của ta có xu hướng tách rời thực tiễn quá, bê nguyên xi tư tưởng hoặc cách đặt vấn đề của luật pháp nước ngoài vào thực tiễn đất nước. Các nhà làm luật quên mất một điều, điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam còn rất lâu mới tương đồng với điều kiện của những đất nước mà các nhà làm luật nghiên cứu. Như vậy mới có những quy định trời ơi như: Xe biển chẵn đi ngày chẵn, biển lẻ đi ngày lẻ; thịt quá 8 tiếng sau khi giết mổ không được bán; cấm bán thuốc lá, bia rượu cho người dưới 18 tuổi…
Hy vọng là cùng với các địa phương khác, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh, tiếng nói của Khánh Hòa sẽ góp phần tác động đến các cơ quan hữu quan sớm trình ra Quốc hội tháo gỡ vấn đề này.
THỦY NGÂN