12:10, 13/10/2014

Hỗ trợ nhà ở cho người có công

Từ năm 1996 đến nay, Chính phủ đã ban hành nhiều quyết định về việc hỗ trợ người có công với cách mạng cải thiện nhà ở với nhiều hình thức như tặng nhà tình nghĩa, hỗ trợ tiền nhà và tiền sử dụng đất khi mua nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước hoặc khi được giao đất làm nhà ở, hỗ trợ kinh phí xây dựng hoặc sửa chữa nhà ở...

Từ năm 1996 đến nay, Chính phủ đã ban hành nhiều quyết định về việc hỗ trợ người có công với cách mạng cải thiện nhà ở với nhiều hình thức như tặng nhà tình nghĩa, hỗ trợ tiền nhà và tiền sử dụng đất khi mua nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước hoặc khi được giao đất làm nhà ở, hỗ trợ kinh phí xây dựng hoặc sửa chữa nhà ở...


Ở Khánh Hòa, thực hiện Quyết định số 22/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, năm 2014, UBND tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ xây mới 258 nhà và sửa chữa 662 nhà với tổng kinh phí trên 23 tỷ đồng. Trong đó, 80% kinh phí từ nguồn ngân sách Trung ương, 20% còn lại được trích từ ngân sách của tỉnh. Theo quyết định này, mỗi hộ xây mới nhà ở được hỗ trợ 40 triệu đồng với yêu cầu phải bảo đảm tiêu chuẩn 3 cứng (cứng nền, cứng khung tường và cứng mái), có diện tích sử dụng tối thiểu 30m2, tuổi thọ từ 10 năm trở lên; mỗi hộ sửa chữa nhà ở được hỗ trợ 20 triệu đồng, áp dụng cho những trường hợp nhà ở bị hư hỏng, dột nát cần phải sửa chữa phần khung, tường và thay mới mái nhà. Qua 1 năm triển khai, đến nay, hầu hết các địa phương trong tỉnh đã thực hiện tốt Quyết định 22, góp phần giúp các gia đình chính sách có những ngôi nhà mới khang trang, sạch đẹp.


Tuy nhiên, theo khảo sát của cơ quan chức năng, trong điều kiện giá cả thị trường tăng cao như hiện nay, để đảm bảo chất lượng các công trình, ngoài mức hỗ trợ của Nhà nước, rất cần đẩy mạnh việc xã hội hóa bằng cách huy động các tấm lòng hảo tâm. Thực tế, ở những vùng gặp nhiều khó khăn trong khâu vận chuyển nguyên vật liệu, số tiền hỗ trợ của Nhà nước khó có thể đảm bảo hoàn thành các công trình. Vì thế, để đảm bảo tiến độ và chất lượng các công trình, cấp ủy, chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy động các tổ chức, cá nhân tham gia hỗ trợ bằng những việc làm thiết thực như hỗ trợ thêm tiền, ngày công... Nhiều năm qua, cách làm này đã được các đơn vị quân đội áp dụng, triển khai xây nhà tình nghĩa, nhà đồng đội tặng các đối tượng chính sách và quân nhân có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở rất hiệu quả. Bên cạnh đó, việc các tổ chức đoàn thể như: Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên tham gia giúp đỡ các hộ xây dựng nhà ở cũng là giải pháp tối ưu góp phần nâng cao chất lượng các công trình.


Có thể nói, trong điều kiện nhiều hộ thuộc diện đối tượng chính sách còn gặp khó khăn về nhà ở thì việc thực hiện tốt Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ là việc làm cụ thể, thiết thực, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Những ngôi nhà mới khang trang, vững chãi được xây dựng đã giúp cho nhiều gia đình người có công với cách mạng có cuộc sống ổn định, yên tâm phát triển kinh tế, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.


Ngọc Khánh