04:10, 03/10/2014

Đầu tư theo phong trào (!)

Dư luận đang phản ánh về những ngôi nhà dài truyền thống của đồng bào dân tộc Raglai ở Khánh Sơn sau khi xây dựng để cỏ hoang mọc. Cách đây 5 năm, Khánh Sơn đã xây 4 ngôi nhà dài từ nguồn vốn được cấp 1,6 tỷ đồng của Chương trình cận Tây Nguyên cùng với 400 triệu đồng đối ứng của huyện. ....

Dư luận đang phản ánh về những ngôi nhà dài truyền thống của đồng bào dân tộc Raglai ở Khánh Sơn sau khi xây dựng để cỏ hoang mọc. Cách đây 5 năm, Khánh Sơn đã xây 4 ngôi nhà dài từ nguồn vốn được cấp 1,6 tỷ đồng của Chương trình cận Tây Nguyên cùng với 400 triệu đồng đối ứng của huyện. Xa hơn một chút, trong thập niên 90 của thế kỷ trước, Ủy ban Chăm sóc thiếu niên, nhi đồng tỉnh từ nhiều nguồn vốn khác nhau, đã bỏ ra hơn 80 tỷ đồng để xây dựng hơn 20 điểm vui chơi cho thiếu nhi ở các xã. Công trình xây xong rồi để hoang vì không có kinh phí duy trì, không có người quản lý. Gần đây hơn là 80 điểm bưu điện văn hóa xã, có ai dám trả lời chính xác là hiện còn bao nhiêu điểm hoạt động có hiệu quả?


Hiện nay, trong phong trào xây dựng nông thôn mới, các cấp đang ra sức hoàn thành 19 tiêu chí, trong đó có tiêu chí số 6: Xã có nhà văn hóa và khu thể thao đạt chuẩn, 100% thôn có nhà văn hóa và khu thể thao... Nhớ thời bao cấp, xã nào cũng dành một khoảng đất rộng mênh mông xây nhà văn hóa. Cũng được một số đêm đỏ đèn khi có đoàn chiếu phim hay cải lương ghé về. Khi các hợp tác xã tan rã, những khu văn hóa này đã biến mất không còn dấu tích. Giờ đây, đổ một đống tiền ra xây nhà văn hóa cho đạt tiêu chí, rồi có theo đường cũ: Không có tiền cho người phụ trách, không có kinh phí duy trì hoạt động...?


Tạo điều kiện cho bà con nông thôn có nơi sinh hoạt văn hóa là ý tưởng hết sức đáng trân trọng. Tuy nhiên, việc xây gì, xây ở địa điểm nào lại là điều phụ thuộc riêng vào nếp sống văn hóa của từng địa phương, không có một mẫu chung để áp dụng cho tất cả. Những thứ xây từ trên rồi ấn xuống, không theo nhu cầu nội tại của nhân dân rồi thì cũng để hoang mà thôi.


Nhớ ngày xưa, làng nào cũng có ngôi đình hoặc một mái chùa. Ngôi đình là nơi làng thờ Thần thành hoàng, vị thần hộ quốc tý dân của làng. Ngôi đình là nơi diễn ra mọi hoạt động tâm linh và thế tục của làng, là trung tâm sinh hoạt của dân làng. Ngôi đình ấy chỉ do người dân trong làng góp sức dựng nên, truyền từ đời nay qua đời khác chứ làm gì có chuyện đi xin kinh phí. Trên đất nước ta,  nhiều ngôi đình đã trở thành di sản văn hóa cấp quốc gia, cấp tỉnh. Rồi những mái chùa nhỏ thân thương của làng, nơi dân làng vẫn gặp nhau vào ngày rằm, mùng một, thế mới có câu: “trẻ vui nhà, già vui chùa”.


Nói chuyện xưa để ngẫm chuyện nay. Đất nước mình đã nghèo, mỗi một đồng cũng phải biết chiu chắt, đừng làm cho có phong trào rồi để hoang hóa đi.


Mong lắm.


THỦY NGÂN