06:10, 10/10/2014

Chuẩn văn hóa

Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch vừa ban hành Thông tư số 08/2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-10, quy định chi tiết tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục xét và công nhận "Cơ quan đạt chuẩn văn hóa", "Đơn vị đạt chuẩn văn hóa", "Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa". 

Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch vừa ban hành Thông tư số 08/2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-10, quy định chi tiết tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục xét và công nhận “Cơ quan đạt chuẩn văn hóa”, “Đơn vị đạt chuẩn văn hóa”, “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”. 
 
Thông tư quy định, để được xét tặng đạt chuẩn văn hóa, cơ quan, đơn vị phải đáp ứng các tiêu chuẩn: Hoàn thành tốt nhiệm vụ, kế hoạch công tác hàng năm; 100% cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đạt danh hiệu Lao động tiên tiến; 80% trở lên cán bộ, công chức, viên chức thường xuyên tự học hoặc theo học các lớp đào tạo, bồi dưỡng về chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ; thực hiện tốt nghĩa vụ và đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức; nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ công; có sáng kiến, cải tiến quản lý; kinh nghiệm được áp dụng vào thực tiễn.
 
Bên cạnh đó, cơ quan, đơn vị thực hiện nếp sống văn minh, môi trường văn hóa công sở. Theo đó, 90% cán bộ, công chức, viên chức trở lên không vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh; gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
 
Chúng ta đều biết, xây dựng văn hóa công sở là xây dựng nề nếp làm việc khoa học, có kỷ cương và dân chủ. Ấy là xây dựng dáng nét văn hóa của sự ăn mặc gọn gàng, lịch sự; xây dựng khuôn phép ứng xử; xây dựng phong cách làm việc; xây dựng đường hướng bảo vệ thương hiệu của chính mình… Còn nhớ, từ năm 2007, để bảo đảm tính trang nghiêm và hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước. Tuy nhiên, đến nay nhiều cơ quan vẫn chưa thực hiện nghiêm túc quy chế này.
 
Chúng ta đang phấn đấu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phong cách ứng xử chuẩn mực trong hoạt động công vụ, có phẩm chất đạo đức tốt. Tại các cơ quan, đơn vị, nhất là những nơi tiếp xúc nhiều với nhân dân, cán bộ công chức không chỉ tuân thủ nghiêm túc các quy định cụ thể về trang phục, cách giao tiếp… mà phải đặc biệt thể hiện sự tôn trọng dân; chú ý ứng xử với dân một cách có văn hóa.
 
Có thể nói, quy chế văn hóa của Thủ tướng Chính phủ, rồi chuẩn văn hóa của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch là những tiêu chuẩn chung, những định chế chung dành cho tất cả các cơ quan, đơn vị; lấy đó làm khuôn mẫu để đánh giá, xét chọn một một danh hiệu văn hóa.
 
Hiện nay, có tới hàng trăm khái niệm về văn hóa. Tựu trung, văn hóa là toàn bộ những hoạt động, giá trị sáng tạo vật chất và tinh thần của một đất nước, một dân tộc. Văn hóa làm nên sự khác biệt giữa dân tộc này với dân tộc khác. Trên cơ sở đó, cũng có thể nói, văn hóa tạo sự khác biệt về dáng dấp, phong cách của một cơ quan, đơn vị này với cơ quan, đơn vị khác, tuy có cùng một chức năng, nhiệm vụ. Bởi, thực tế cho thấy, cùng thực hiện một khuôn mẫu như trên đã nói, mỗi cơ quan, đơn vị luôn có những nét văn hóa đặc thù của riêng mình. 
 
Cho nên, đi từ đạt được những tiêu chuẩn về văn hóa cho tới đạt được một nét văn hóa riêng, một thương hiệu là cả một quãng đường dài.
 
PHONG NGUYÊN