10:09, 21/09/2014

Ưu tiên cho khoa học, công nghệ

Trong Quy hoạch phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh xác định phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, một trong những động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc

Trong Quy hoạch phát triển khoa học và công nghệ (KH-CN) tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh xác định phát triển và ứng dụng KH-CN là quốc sách hàng đầu, một trong những động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, nhiệm vụ phát triển và ứng dụng KH-CN cần được ưu tiên tập trung đầu tư trước một bước trong hoạt động của các cấp, sở, ngành, doanh nghiệp.


Tỉnh phấn đấu đến năm 2020, nâng cao trình độ phát triển KH-CN lên trên mức trung bình của cả nước, trong đó một số lĩnh vực có thể đạt trình độ khu vực và quốc tế. Để trở thành trung tâm KH-CN, tỉnh chú trọng quy hoạch phát triển KH-CN ở tất cả các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là KH-CN biển.


Có thể thấy, thời gian qua, hoạt động KH-CN được các sở, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong tỉnh quan tâm. Nhiều đơn vị đã thành lập hội đồng KH-CN, quan tâm ứng dụng thành tựu KH-CN vào công tác quản lý, chỉ đạo sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, thực hiện các đề tài cấp tỉnh, cơ sở và nhiều sáng kiến cải tiến. Các đề tài nghiên cứu, sáng kiến được áp dụng thành công trên thực tế đã phục vụ đắc lực trong công việc, làm lợi nhiều tỷ đồng. Cũng đã có một số đơn vị đi tiên phong trong hoạt động này khi đầu tư thành lập trung tâm nghiên cứu KH-CN nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, cho ra đời sản phẩm mới. Điển hình như Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Yến sào Khánh Hòa đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu khoa học. Thông qua hoạt động của Trung tâm này, Công ty đã và đang tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về quy trình ấp nở, nuôi và phát triển đàn chim yến; nghiên cứu tạo ra các sản phẩm mới... nhằm khẳng định yến sào là thương hiệu mạnh, phát triển doanh nghiệp bền vững, đóng góp cho kinh tế - xã hội địa phương...


Tuy nhiên, để duy trì được hoạt động nghiên cứu KH-CN không hề đơn giản, bởi hoạt động này phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó, kinh phí và con người là yếu tố chủ đạo. Hiện nay, việc hỗ trợ kinh phí cho hoạt động KH-CN vẫn chưa tương xứng. Cụ thể như trong năm 2013, tổng kinh phí hỗ trợ hoạt động KH-CN cho các huyện, thị xã, thành phố chỉ hơn 269,6 triệu đồng; kinh phí hỗ trợ triển khai kế hoạch thực hiện các chương trình phối hợp hoạt động của 4 đơn vị: Hội Nông dân, Ban Dân tộc tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Tỉnh đoàn chỉ 126,9 triệu đồng... Ngoài ra, nguồn nhân lực KH-CN vẫn còn thiếu. Chính vì vậy, tỉnh phấn đấu đến năm 2015, gia tăng số cán bộ nghiên cứu KH-CN đạt mức 10 đến 12 người/10.000 dân; 12 đến 14 người/10.000 dân vào năm 2020.


Sẽ còn nhiều việc phải làm để phát triển và ứng dụng KH-CN trên địa bàn tỉnh. Ngoài việc phấn đấu nâng tổng mức đầu tư xã hội cho KH-CN đạt 1,5% GDP vào năm 2015 và đạt 2% GDP vào năm 2020, thì việc ưu tiên xây dựng đội ngũ nhân lực tiếp cận KH-CN cao, tập hợp các chuyên gia KH-CN đầu ngành cần phải đặt lên hàng đầu. Bởi lẽ, chỉ khi nào thu hút được những người có trình độ, kỹ năng và đam mê nghiên cứu thì mới có những đề tài KH-CN đột phá, có chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.


Được biết, vừa qua, UBND tỉnh đã ký kết chương trình hợp tác với Viện Hàn lâm khoa học xã hội và Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam. Đây là tiền đề để địa phương tập hợp các chuyên gia đầu ngành, đẩy mạnh phát triển và ứng dụng KH-CN trong thời gian tới.


ĐẠI HẢI