Cùng với quá trình đổi mới chung của cả nước, các hợp tác xã ở Việt Nam đã có những bước chuyển đổi mạnh mẽ, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, góp phần vào quá trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động, cải thiện an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới.
Cùng với quá trình đổi mới chung của cả nước, các hợp tác xã (HTX) ở Việt Nam đã có những bước chuyển đổi mạnh mẽ, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, góp phần vào quá trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động, cải thiện an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên hiện nay, hoạt động của các HTX đang gặp nhiều khó khăn. Nhiều mô hình hợp tác đang đứng trước nguy cơ giải thể.
Số liệu của cơ quan chức năng cho thấy, trong 10 năm trở lại đây, số lượng HTX thành lập mới không nhiều so với số giải thể và có xu hướng giảm. Giai đoạn 2003 - 2012, toàn tỉnh có 5 HTX được thành lập mới, nhưng lại có 8 HTX giải thể do hoạt động không hiệu quả. Trong số hơn 120 HTX và Liên minh HTX trên địa bàn tỉnh, gần 60% hoạt động không hiệu quả. Nhiều HTX đang rơi vào tình trạng cực kỳ khó khăn, hoạt động cầm chừng, nguồn thu không đủ duy trì bộ máy quản lý. HTX nông nghiệp thì chỉ còn thực hiện các dịch vụ nông nghiệp, HTX vận tải đứng trước nguy cơ giải thể, HTX tiểu thủ công nghiệp đối mặt với sự lạc hậu, HTX thủy sản không tìm được vốn để đầu tư ngư lưới cụ…
Theo các chuyên gia, để mô hình HTX phát triển, các cấp, ngành cần tập trung tháo gỡ vòng luẩn quẩn của HTX hiện nay. Đó là vốn, thuế, quyền sử dụng đất. Không có quyền sử dụng đất, HTX không thể vay vốn, do đó, không thể thay đổi công nghệ sản xuất, tạo ra tư liệu sản xuất mới để có nguồn thu đóng thuế. Bên cạnh đó, cần coi trọng các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa; thành lập các trung tâm trưng bày, bán và cung cấp thông tin sản phẩm; tạo điều kiện để HTX được tham gia các chương trình kinh tế - xã hội tại địa phương. Các chính sách ưu đãi về tài chính - tín dụng, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, giao đất, cho thuê đất, vốn, giống, phân bón, thức ăn chăn nuôi, sản xuất chế biến hàng xuất khẩu, ứng dụng công nghệ cao cần được thực hiện đồng bộ; tập trung vào các sản phẩm như: lúa, cà phê, cao su, tôm, cá, cây ăn quả và các sản phẩm, dịch vụ khác mà thành viên HTX và thị trường có nhu cầu cao.
Được biết, sắp tới Liên minh HTX sẽ đề xuất thành lập quỹ HTX để tạo nguồn vốn cho Liên minh đổi mới hoạt động và hỗ trợ các HTX. Đây là một tin vui cho các HTX. Tuy nhiên, để có thể đổi mới và phát triển, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, các HTX cũng cần phát huy nội lực, sáng tạo để vượt qua khó khăn, vươn lên phát triển.
Ngọc Khánh