Từ lâu, câu nói "Người Việt dùng hàng Việt" đã trở nên quen thuộc. Ý nghĩa ấy càng được sáng tỏ khi triển khai Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Đây được coi là một trong những nội dung, nhiệm vụ trọng tâm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.
Từ lâu, câu nói “Người Việt dùng hàng Việt” đã trở nên quen thuộc. Ý nghĩa ấy càng được sáng tỏ khi triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đây được coi là một trong những nội dung, nhiệm vụ trọng tâm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.
Về bề nổi, Khánh Hòa đã có khá nhiều hoạt động như mít tinh, diễu hành, tọa đàm, hội thảo, truyền thông, tuyên truyền về ý nghĩa của Cuộc vận động.
Trên thực tế, cũng đã có những hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực như tổ chức tuần lễ bán hàng khuyến mại, giảm giá; phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn”; Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao; đưa hàng Việt về nông thôn… Một số doanh nghiệp (DN) trên địa bàn như siêu thị Maximark, Co.opMart… tự tổ chức các đợt bán hàng Việt lưu động tại các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa. Những hoạt động như vậy rất đáng hoan nghênh. Bởi, qua đó, đông đảo người tiêu dùng được tiếp cận trực tiếp, nhiều hơn, tốt hơn với hàng Việt Nam; từ đó, có cơ sở để đánh giá, so sánh.
Có thể nói, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” bước đầu hình thành nét văn hóa trong sản xuất và tiêu dùng của người Việt Nam; xóa bỏ dần tâm lý sính hàng ngoại trong nhiều người dân. Song, để cuộc vận động ngày càng đi vào chiều sâu, phải làm thế nào đó để mọi người dân hiểu hơn, tin hơn vào hàng Việt.
Làm sao lại phải hiểu hàng Việt? Lâu nay có rất nhiều trường hợp do định kiến từ trước, người tiêu dùng nghe nói hàng Việt Nam là nghĩ ngay đến chất lượng kém. Chưa biết, chưa dùng, chưa trải nghiệm làm sao đánh giá được? Cho nên, mới có thực tế nghiệt ngã là người Việt bỏ tiền mua hàng của nước ngoài với giá rất đắt, trong khi hàng của Việt Nam đã có mặt ở những thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật Bản… Lại cũng có chuyện khôi hài rằng có người ra nước ngoài, muốn lấy “số má” nên mua hàng ngoại về tặng người thân. Về nhà, mở ra mới thấy hàng “Made in Viet Nam”!
Làm sao lại phải tin hàng Việt? Ai cũng biết, hàng Việt vẫn đang đứng trước vô vàn khó khăn, thách thức. Câu hỏi làm thế nào để nâng cao chất lượng mà lại hạ giá thành sản phẩm hiện vẫn làm đau đầu các DN sản xuất hàng Việt. Thời gian gần đây, các DN đã tập trung đầu tư, đổi mới thiết bị công nghệ, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Có uy tín, giá cả phải chăng luôn là điều các DN đang hướng tới.
“Dùng hàng Việt là yêu nước”. Nói vậy rất đúng, ở góc độ vận động. Ưu tiên cho hàng Việt, nhưng không quá mức để biến thành một cách “bao cấp” đầu ra. Cho nên, ở góc độ khác, bản thân hàng Việt phải tự vươn lên, đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng; từng bước chiếm lĩnh thị trường bằng chính đôi chân của mình. Và, đôi chân ấy sẽ trở nên vững vàng hơn khi được trợ lực bởi cơ chế, chính sách hỗ trợ của nhà nước; khi được người tiêu dùng tin cậy, ủng hộ.
Thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, cần tiếp tục có các giải pháp khuyến khích và định hướng tiêu dùng của người dân; cạnh đó tăng cường kiểm tra, giám sát việc ưu tiên sử dụng hàng hóa, vật tư, thiết bị trong nước khi sử dụng nguồn ngân sách nhà nước.
PHONG NGUYÊN