06:09, 05/09/2014

Đổi mới giáo dục

Hôm nay (5-9), cùng với các địa phương trong cả nước, hơn 200.000 học sinh các cấp trong toàn tỉnh và hơn 16.000 giáo viên khai giảng năm học mới 2014 - 2015. Trong không khí hân hoan của ngày khai trường, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh đang đề ra mục tiêu gặt hái được nhiều thành công lớn hơn nữa trong sự nghiệp "trồng người".

Hôm nay (5-9), cùng với các địa phương trong cả nước, hơn 200.000 học sinh các cấp trong toàn tỉnh và hơn 16.000 giáo viên khai giảng năm học mới 2014 - 2015. Trong không khí hân hoan của ngày khai trường, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh đang đề ra mục tiêu gặt hái được nhiều thành công lớn hơn nữa trong sự nghiệp “trồng người”.


Đây là năm học đầu tiên ngành GD-ĐT tỉnh thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ, Chương trình hành động của Tỉnh ủy và Kế hoạch hành động của ngành triển khai Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Vì vậy, có thể thấy, năm học này, nhiệm vụ của toàn ngành rất nặng nề, đòi hỏi cán bộ làm công tác quản lý GD-ĐT, giáo viên và mỗi học sinh phải nỗ lực không ngừng, dạy thực chất, học thực chất; năng động, sáng tạo, đổi mới trong phương pháp dạy và học sao cho đạt hiệu quả cao nhất.


Nhìn lại năm học 2013 - 2014 có thể thấy, ngành GD-ĐT tỉnh đã nỗ lực vượt bậc để có những chuyển biến tích cực về nhiều mặt. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng được thực hiện đồng bộ và có hiệu quả tích cực. Quy mô phát triển của các cấp học, ngành học tiếp tục ổn định và đúng hướng. Công tác phổ cập giáo dục (PCGD) các cấp được duy trì, củng cố và phát triển, đặc biệt là đã hoàn thành PCGD mầm non cho trẻ 5 tuổi. Khánh Hòa là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước đạt được mục tiêu của công tác đầy gian khó này.


Bên cạnh đó, giáo dục miền núi và các vùng dân tộc thiểu số đã có những tiến bộ nhất định, trong đó phải kể đến hiệu quả tích cực của việc tổ chức bữa ăn trưa cho học sinh. Công tác quản lý giáo dục tiếp tục trên đà đổi mới theo xu thế cải cách, tiến bộ, được đông đảo cán bộ, giáo viên, học sinh hoan nghênh và dư luận xã hội đồng tình ủng hộ.


Thành tích thấy rõ nhất trong công tác dạy và học phải kể đến chất lượng học sinh trong kỳ thi đại học năm 2014 vừa qua, khi tỉnh Khánh Hòa vươn lên đứng vị trí thứ 8 trong 63 tỉnh, thành trong cả nước (năm 2012 đứng thứ 28, năm 2010 đứng thứ 32)...


Tuy nhiên, năm học vừa qua, ngành cũng còn đối mặt với một số khó khăn nhất định như: Tình trạng học sinh bỏ học ở các địa bàn khó khăn vẫn còn khá cao; cơ sở vật chất trường học vẫn chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu đổi mới giáo dục; chất lượng giáo dục ở một số trường, một số địa bàn, nhất là ở các huyện miền núi, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn hạn chế và hiệu quả đào tạo còn thấp; một bộ phận cán bộ quản lý ít năng động, chậm đổi mới...


Để công tác GD-ĐT thật sự được đổi mới, ngoài sự nỗ lực phấn đấu của toàn ngành, cần phải có sự phối hợp tích cực của các lực lượng xã hội và phụ huynh học sinh. Trong năm học mới này, ngành đã đưa ra 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm nhằm đổi mới mạnh mẽ sự nghiệp GD-ĐT. Đó là: Đổi mới căn bản công tác quản lý giáo dục, đào tạo; đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của GD-ĐT; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; đổi mới chính sách và cơ chế tài chính giáo dục.


Đổi mới GD-ĐT không chỉ là mục tiêu riêng ngành GD-ĐT mong muốn đạt tới, mà đó còn là kỳ vọng của các bậc phụ huynh học sinh và toàn xã hội. Bởi chỉ có làm tốt công các “trồng người”, xã hội mới đảm bảo được nguồn nhân lực và những công dân có trình độ tri thức đủ khả năng gánh vác yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.


Để thực hiện thành công Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, hãy hành động ngay từ bây giờ!


HOÀNG TRIỀU