Trong xã hội không thiếu những lối sống đẹp, nghĩa cử đẹp. Câu chuyện về người chiến sĩ công an dũng cảm truy bắt cướp Nguyễn Thế Thịnh trên báo mới đây là một minh chứng. Thế nhưng, đâu đó vẫn luôn có những điều không tử tế diễn ra hàng ngày.
Trong xã hội không thiếu những lối sống đẹp, nghĩa cử đẹp. Câu chuyện về người chiến sĩ công an dũng cảm truy bắt cướp Nguyễn Thế Thịnh trên báo mới đây là một minh chứng. Thế nhưng, đâu đó vẫn luôn có những điều không tử tế diễn ra hàng ngày. Mới hôm qua thôi, một bé 4 tuổi bị bố mẹ bạo hành ngược đãi đến chấn thương khiến cộng đồng phẫn nộ. Trước nữa là câu chuyện về một người mẹ bị con đuổi ra khỏi nhà. Hay cuối tuần qua là chuyện của riêng mình với nỗi bực dọc khi bị lấy cắp chiếc bình nước giá trị ở nơi gửi xe khi đến Viện Pasteur xét nghiệm... Phải chăng, cuộc sống hiện đại khiến người ta quên đi nhiều giá trị, bao gồm cả tình thân? Phải chăng, bây giờ người ta ít tử tế với nhau hơn, hay sự tử tế ấy lâu nay ít được bộc lộ?
Và đó có phải là lý do để cần có một “Tuần tử tế” (diễn ra từ ngày 14 đến 21-9), một chiến dịch do Tổ chức Hành động vì tương lai (Action4Future - A4F) và Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE) đồng tổ chức nhằm truyền cảm hứng về những giá trị tốt đẹp, khơi dậy những điều tử tế?
Có lẽ là vậy nếu biết rằng nó đã tạo ra được hiệu ứng. Với lập luận: những điều không tử tế ấy do chính con người tạo ra nên hãy thay đổi từ chính mỗi con người, sau khi được phát động, trên facebook đã có ngay một trang “Tử tế là” được lập ra nhằm tạo sự lan tỏa và chia sẻ trong cộng đồng, nhất là giới trẻ. Bắt đầu từ việc trả lời cho câu hỏi “Tử tế là gì?” với lời kêu gọi “Hãy gửi cho chúng tôi định nghĩa của bạn về sự tử tế trên www.tutela.vn”. Theo từ điển tiếng Việt, tử tế là tỏ ra có lòng tốt trong đối xử với nhau. Với các bạn trẻ, nó không gói gọn trong định nghĩa đó mà rộng hơn rất nhiều, đơn giản nhưng cũng cụ thể hơn rất nhiều. Chẳng hạn tử tế là biết cho đi và không cần nhận lại; là tuân thủ đúng luật khi tham gia giao thông; là ăn mặc phù hợp, đúng nơi đúng chỗ; là chấp nhận khuyết điểm của người khác; là ngăn bạn làm điều xấu hoặc chỉ đơn giản là mỉm cười và yêu thương chính bản thân mình... Đó là cách hiểu về 2 chữ “tử tế” của mỗi người, cũng là một cách để chỉ ra những lối sống đẹp, ứng xử đẹp, biến nó thành hành động thực tế của mỗi người đối với cộng đồng và bản thân mình.
Mừng khi giới trẻ đã ý thức và chỉ ra được những điều tử tế trong cuộc đời này. Mừng cho một chiến dịch khởi đầu cho sự “truyền thông”, thúc đẩy cộng đồng trong việc nhân lên những điều tốt và át đi những cái xấu.
Riêng tôi, bỗng nhớ tới những câu chuyện bằng hoạt cảnh nghệ thuật hay theo dõi trên truyền hình như: Quà tặng cuộc sống, sống đẹp... Mỗi chương trình chỉ gói gọn trong 1 đến 5 phút nhưng lại chuyển tải rất nhiều thông điệp với những tình huống ứng xử văn hóa, những bài học vô cùng giản đơn về đạo làm người. Tất cả cũng là nhằm mục đích làm cho mỗi người trở nên tử tế hơn...
B.T