Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, việc nâng cao năng lực cạnh tranh của cơ sở sản xuất, doanh nghiệp cũng như sản phẩm luôn được các cấp, ngành của tỉnh và cộng đồng doanh nghiệp quan tâm.
Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, việc nâng cao năng lực cạnh tranh của cơ sở sản xuất (CSSX), doanh nghiệp (DN) cũng như sản phẩm luôn được các cấp, ngành của tỉnh và cộng đồng DN quan tâm. Có thể nói, từ những CSSX nhỏ lẻ đến các DN đã có thương hiệu đều được tạo điều kiện để tiếp cận những chính sách ưu đãi.
Bên cạnh việc tạo điều kiện về vay vốn, miễn thuế, giãn thuế, để giúp những CSSX, DN nhỏ có thêm nguồn lực đầu tư, phát triển, tỉnh rất quan tâm đến công tác khuyến công từ nguồn kinh phí của Trung ương và địa phương. Những năm qua, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh đã xem xét cấp kinh phí hỗ trợ cho khoảng 40 DN thực hiện việc chuyển đổi công nghệ nhằm đáp ứng phần nào nhu cầu đổi mới trang thiết bị, đầu tư dây chuyền sản xuất, thay đổi mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm. Tuy các CSSX, DN công nghiệp ở khu vực nông thôn gặp không ít khó khăn trong hoạt động, nhưng thời gian qua, các đơn vị luôn tìm tòi, sáng tạo để xây dựng nên thương hiệu sản phẩm của mình. Nhờ đó, năm 2013, toàn tỉnh đã có 40 sản phẩm công nghiệp nông thôn được bình chọn là sản phẩm tiêu biểu. Đây là cơ sở để các CSSX, DN đẩy mạnh sản xuất, xúc tiến thương mại, cạnh tranh mở rộng thị trường trong nước, vươn ra khu vực và thế giới.
Để giúp các CSSX, DN chủ động hội nhập, các cơ quan chức năng của tỉnh còn tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng kinh doanh, kỹ thuật sản xuất sạch hơn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và thân thiện với môi trường… Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng hỗ trợ một số DN tổ chức bán hàng lưu động, đưa hàng Việt về nông thôn… Chỉ tính riêng năm 2013, ngành Công Thương đã phối hợp tổ chức 11 hội chợ triển lãm thương mại trên địa bàn toàn tỉnh; cấp hơn 1.000 giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cho các DN được hưởng ưu đãi thuế quan tại các nước nhập khẩu nhằm tăng lợi thế cạnh tranh của sản phẩm Khánh Hòa nói riêng và Việt Nam nói chung trên thị trường quốc tế.
Cơ quan chức năng của tỉnh cũng đã hỗ trợ các CSSX, DN đăng ký bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; hướng dẫn DN thực hiện công bố hợp chuẩn, hợp quy, xây dựng tiêu chuẩn, đăng ký mã số, mã vạch…; thông tin hơn 1.240 bản tin cảnh báo về hàng rào kỹ thuật trong thương mại cho các DN xuất nhập khẩu của tỉnh… Qua đó, nhiều DN đã chủ động triển khai ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, giúp sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, nhất là các ngành nghề có lợi thế của địa phương như: chế biến nông sản, chế biến gỗ… Nhờ đó, trong quý I, toàn tỉnh có 101 DN tham gia xuất khẩu, tăng 17 DN so với cùng kỳ năm 2013. Điều này cho thấy, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, DN của tỉnh vẫn đủ sức cạnh tranh, có chỗ đứng trên thị trường quốc tế.
Năm 2014, các ngành chức năng của tỉnh tiếp tục hỗ trợ CSSX, DN tiếp cận các chính sách tín dụng, thuế; tạo điều kiện để nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm… Những hoạt động này sẽ là đòn bẩy thúc đẩy các CSSX, DN; sản phẩm sản xuất trên địa bàn tỉnh có thêm năng lực để cạnh tranh trong thời gian tới.
HOÀNG TRIỀU