07:04, 26/04/2014

Thư gửi tiến sĩ Đỗ Hải Anh

Trước hết xin tự giới thiệu, tôi là một người bình thường trong số 90 triệu người dân Việt Nam có lương tâm, trách nhiệm với đất nước và dân tộc.

Trước hết xin tự giới thiệu, tôi là một người bình thường trong số 90 triệu người dân Việt Nam có lương tâm, trách nhiệm với đất nước và dân tộc.


Thú thực, khi đọc những dòng đầu tiên trong cái gọi là “Tổ Quốc đang lâm nguy” để “Kính gửi toàn thể người dân Việt Nam còn lương tâm và trách nhiệm” của ông, tôi đã định chuyển sang bài khác vì những từ ngữ ông dùng rất khó “nuốt trôi”. Nhưng thấy “sản phẩm” này của một vị tiến sĩ (TS) - đã từng là viện trưởng gì đó ở Viện KHXH Việt Nam như lời ông giới thiệu - nên tôi cũng cố nấn ná xem với hy vọng sẽ có cái đáng đọc. Nhưng rồi càng đọc tôi càng thấy “cục nghẹn” lớn dần. Từ đầu đến cuối chỉ là những từ ngữ đầy hằn học cùng “mớ lý luận kiểu chợ búa”- tôi tạm gọi như vậy. Thôi thì, không thể tôn trọng ông với cái danh xưng là TS khoa học thì cũng nên tôn trọng ông như kiểu giữa con người với con người vậy.


Là người Việt Nam, dù có sống ở trong hay ngoài nước, góp sức xây dựng quê hương bằng cả lương tâm và trách nhiệm như lời ông nói – là việc nên làm. Nhưng tôi lại thấy ông làm theo cách của một con người vô lương tâm, vô trách nhiệm. Như ông viết, tôi chắc rằng ông sang Mỹ sinh sống chưa lâu. Ông đã từng là viện trưởng một viện khoa học thuộc viện KHXH Việt Nam thì chắc ông cũng không còn nhỏ tuổi nữa. Và nếu có nhỏ tuổi như con tôi đang học tiểu học thì khi chơi trò đánh trận giả cháu nó luôn giành đứng về phía quân giải phóng. Có hỏi thì nó trả lời “vì quân giải phóng là Việt Nam ta và Việt Nam đã đánh thắng Mỹ”. Đấy, đơn giản chỉ là cách suy nghĩ của một đứa trẻ mới 8 tuổi, còn ông, từng là một TS nhưng đâu có nghĩ được như nó.  


Tôi là người sinh ra sau chiến tranh, lớn lên trong hòa bình và đã được xem những thước phim tư liệu do chính người Mỹ quay lại về hình ảnh đồng bào ở khắp miền Nam năm 1975 vui mừng như thế nào khi họ đón đoàn quân giải phóng. Điều ấy cho thấy ông đã nói không đúng sự thật về tình cảm của nhân dân miền Nam khi ấy với những người lính giải phóng và những người cộng sản. Và nếu có thì nó cũng chỉ đúng trong suy nghĩ của một bộ phận rất nhỏ trong số những người lính Việt Nam cộng hòa đã không dám đối diện với sự thật là những kẻ thất bại nên đã tìm mọi cách bỏ chạy khỏi đất nước.


Ông quy chụp Đảng Cộng sản Việt Nam với đầy những nhược điểm (đấy là cách tôi diễn đạt ý tứ của ông, chứ từ ngữ mà ông dùng thì tôi không thể nêu nguyên văn vì nó rất lạc lõng và mất phương hướng) nhưng ông lại không hiểu được lịch sử phát triển của nó. Song với trình độ của ông thì ông không chỉ hiểu mà còn hiểu rất rõ. Chỉ có điều, ông đã cố tình lờ đi để đạt được mục đích hoang dại của ông. Dù có cố tình không hiểu thì lịch sử cũng đã chứng minh rằng, khi đất nước bị đế quốc đô hộ, chỉ khi có Đảng ra đời tập hợp được sức mạnh của cả dân tộc và bằng đường lối đấu tranh phù hợp với thực tiễn của từng giai đoạn, cách mạng Việt Nam mới đánh đổ được những đế quốc lớn, giành được độc lập, tự do cho dân, cho nước. Đó là bài học lịch sử mà chắc ông đã thuộc lòng từ khi còn nhỏ, đúng không. Hơn nữa, điều này còn có quá nhiều học giả trên thế giới mà cả tiếng tăm và uy tín hơn ông gấp nhiều lần phân tích rồi đi đến kết luận: “Sức mạnh của cả dân tộc Việt Nam, với sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giúp một đất nước nhỏ bé, nghèo nàn, lạc hậu như Việt Nam có thể đánh thắng được những đế quốc hùng mạnh về mọi phương diện”. Một đất nước đã trải qua hàng chục năm chiến tranh tàn khốc, với mỗi gia đình trung bình phải hứng chịu cả tấn bom mà đến nay sau gần 40 năm vừa kiến thiết, vừa xây dựng, vừa đương đầu với những kẻ thù để bảo vệ lãnh thổ, đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình trên thế giới, là thành viên của tổ chức nhân quyền thế giới…Vậy theo ông đó là kết quả của những cái gì? Không có gì là bất biến cả. Tôi xin nói với ông rằng, hơn 80 năm qua và cả trong thời gian dài sắp đến, dân tộc mà ông đã từng là một thực thể trong nó vẫn sẽ giữ vững niềm tin với Đảng. Không phải vậy thì tại sao hàng chục triệu chữ ký của nhân dân đồng ý rằng Đảng vẫn sẽ là lực lượng duy nhất lãnh đạo đất nước trong đợt lấy ý kiến sửa đổi Hiến pháp vừa qua. Còn những người mất niềm tin vào Đảng như ông, tôi tin là không có nhiều đâu. Và tại sao những người có lương tâm và trách nhiệm lại phải tin vào những kẻ như ông. Là người sao tránh khỏi sai lầm, một tập thể, một tổ chức cũng vậy thôi. Quan trọng là phải thẳng thắn thừa nhận và sửa chữa để tiến lên.


Ông cho rằng ở đất nước có nhiều vị tướng mà không một ngày học về nghiệp vụ cũng được phong. Tôi là dân thường nên không rõ lắm. Nhưng nếu đúng như vậy thì tôi lại rất tự hào về điều ấy. Bởi chính dân tộc này qua phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng đã sinh ra và nuôi dưỡng những con người ấy. Ông thấy không, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị Đại tướng của nhân dân, một trong mười danh tướng nổi tiếng của lịch sử loài người được cả thế giới công nhận cũng đâu có qua trường lớp quân sự nào.


Ông cho rằng đất nước tôi đang lâm nguy bằng việc viện dẫn những vụ việc vụn vặt cùng những vu cáo kiểu “buôn chuyện lề đường” như vậy thì ông có thể thuyết phục được ai. Ai tin ông đây? Tôi biết mọi sự so sánh đều khập khiễng nhưng nếu ông dẫn chứng được một đất nước nào đó dù rất dân chủ và văn minh - theo cách nghĩ của ông – mà không có tội phạm, không có tham nhũng thì tôi nghĩ những vị lãnh đạo đất nước tôi sẽ cắp sách học theo họ ngay thôi. Bởi “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh” là mục tiêu mà đất nước tôi đang xây dựng. Ông cho rằng đất nước tôi có nhiều tội phạm, nhiều tham nhũng. Nhưng tôi chắc chắn, những vụ giết người, cướp của, hiếp dâm thì ở đâu cũng có. Con người chứ đâu phải thánh nhân. Mà tôi dám chắc rằng con số về những vụ án ấy ở Việt Nam cũng chưa thể bằng một nửa so với đất nước mà ông đang sống. Ông không biết chỉ trong năm 2013 ở thành phố New York bên đất nước ông mỗi ngày trung bình xảy ra một vụ giết người sao? Đất nước tôi cũng đâu có những vụ giết người hàng loạt, những vụ xả súng giết chết hàng chục học sinh như đâu đó ở bên ông. Ông cho rằng đất nước tôi vì chỉ có Đảng Cộng sản nên thiếu dân chủ và vi phạm nghiêm trọng về nhân quyền, nhưng hãy nhìn lại xem. Kỳ bầu cử nào cũng y như một ngày hội, hàng chục triệu người dân nô nức thực hiện quyền và luôn tin vào lá phiếu của mình. Quan trọng hơn họ luôn thấy hạnh phúc khi được sống trong một đất nước mà do họ làm chủ và trong cuộc sống riêng tư của họ cũng chẳng hề phải lo ngay ngáy khi bị chính phủ theo dõi đến tận giường ngủ như bên ông.
Mỗi quốc gia đều có quyền tự quyết miễn là không làm phương hại đến lợi ích của quốc gia khác. Đất nước tôi đã chọn con đường riêng và đó là sự lựa chọn của cả dân tộc. Những người dân chúng tôi tin và đi theo sự lựa chọn ấy. Tôi nghĩ chế độ chính trị nào cũng vậy, đều có mặt tốt, mặt chưa tốt. Còn thể chế nào ưu việt hơn thể chế nào thì tôi không bàn đến. Chỉ biết rằng tôi hạnh phúc và bình an khi đang được sống ở một đất nước tự do, hòa bình, ổn định và tôi cũng có đầy đủ những quyền cơ bản nhất của một con người như ông vậy.


Ông rời bỏ quê hương, đất nước, đó là lựa chọn của ông. Nhưng những gì ông đã viết về đất nước, nơi ông đã sinh ra, lớn lên rồi được học hành trở thành người có tri thức, tôi nghĩ ông là kẻ vô ơn và thiển cận. Không ai cấm ông phán xét. Chỉ có điều phải phán xét khách quan, đừng quy chụp.


Chào ông!


LÂM HUY