10:04, 21/04/2014

Tái tạo nguồn lợi thủy sản

Với 385 km đường bờ biển, hơn 200 hòn đảo lớn nhỏ, nhiều vũng vịnh, đầm phá tương đối kín gió, vùng biển Khánh Hòa được xem là ngư trường tốt cho việc khai thác thủy hải sản ở các tỉnh vùng duyên hải.

Với 385 km đường bờ biển, hơn 200 hòn đảo lớn nhỏ, nhiều vũng vịnh, đầm phá tương đối kín gió, vùng biển Khánh Hòa được xem là ngư trường tốt cho việc khai thác thủy hải sản ở các tỉnh vùng duyên hải. Mỗi năm, cộng đồng nghề cá ở Khánh Hòa khai thác được từ 95.000 - 100.000 tấn tôm, cá, đóng góp nguồn nguyên liệu lớn cho hoạt động chế biến xuất khẩu thủy sản. 


Tuy nhiên, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, những tác động của con người làm thay đổi dòng chảy, ô nhiễm môi trường và nhất là việc đánh bắt bừa bãi theo kiểu hủy diệt thời gian qua đã làm cho các loài thủy hải sản ngày càng cạn kiệt. Theo khảo sát của Viện Hải dương học Nha Trang, hiện nay ở vùng biển Khánh Hòa, một số loài có giá trị cao như cá mặt quỷ, bào ngư, tôm hùm giống đang có nguy cơ tuyệt chủng.


Được sự giúp đỡ của Quỹ Môi trường toàn cầu và Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế, những năm qua, tỉnh Khánh Hòa đã xây dựng thành công Khu bảo tồn biển Hòn Mun nằm trong vịnh Nha Trang. Mục đích của khu bảo tồn nhằm nuôi dưỡng các loài cá, tôm quý hiếm, để từ đây lan tỏa việc bảo vệ môi trường ra toàn khu vực. Tuy nhiên, sự phát triển của các loài thủy sản cũng cần phải có thời gian, vì thế ngành Thủy sản đã triển khai giải pháp tăng cường số lượng giống trong việc tái tạo nguồn lợi. Hàng năm, vào dịp kỷ niệm ngày truyền thống nghề cá, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều bố trí cho các đơn vị trong ngành thả tôm, cá giống và các loài động vật thân mềm về biển, địa điểm thả được thực hiện ở nhiều nơi.


Việc thả các loài giống thủy sản vào tự nhiên không chỉ nhằm bổ sung nguồn giống thủy sản, giúp phục hồi, tái tạo nguồn lợi, tạo cân bằng môi trường sinh thái mà còn nâng cao ý thức của người dân về tầm quan trọng và giá trị của nguồn lợi thủy sản trong tự nhiên. Tuy nhiên, so với số lượng thủy sản bị khai thác hàng năm thì số lượng giống thủy sản được thả về biển không đáng kể.


Chính vì vậy, để bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản một cách hiệu quả, các chuyên gia khuyên đã đến lúc cần phải xã hội hóa công tác tái tạo nguồn lợi thủy sản. Bên cạnh đó, kêu gọi cộng đồng cùng tham gia để hoạt động thả giống ngày càng đi vào nề nếp và chiều sâu; tăng diện tích nuôi các loài bản địa và các loài có giá trị kinh tế khác nhằm giảm áp lực khai thác nguồn lợi tự nhiên. Cùng với đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm soát bảo vệ nguồn lợi thủy sản, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhằm ngăn chặn hiệu quả việc đánh bắt thủy sản bằng hình thức hủy diệt...


Theo quy định của Luật Thủy sản, nguồn lợi thủy sản là tài nguyên thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý. Vì vậy, việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản là trách nhiệm của các cấp, ngành, đồng thời là nghĩa vụ và quyền lợi của mọi công dân.


NGỌC KHÁNH