Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể đã đề ra mục tiêu đưa kinh tế tập thể thoát khỏi tình trạng yếu kém, đạt tốc độ tăng trưởng cao, tiến tới chiếm tỉ trọng ngày càng cao trong GDP của nền kinh tế.
Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT) đã đề ra mục tiêu đưa KTTT thoát khỏi tình trạng yếu kém, đạt tốc độ tăng trưởng cao, tiến tới chiếm tỉ trọng ngày càng cao trong GDP của nền kinh tế.
Qua hơn 10 năm thực hiện nghị quyết, ở Khánh Hòa, hơn 870 tổ hợp tác đã được thành lập, hoạt động sản xuất kinh doanh trên nhiều lĩnh vực, góp phần giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho 10.000 đến 15.000 lao động. Các hợp tác xã (HTX) cũng bước đầu chuyển đổi mô hình hoạt động. Một số mô hình mới, hiệu quả như liên hiệp HTX, HTX liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ra đời. Lãnh đạo tỉnh cũng đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi đối với HTX như: đào tạo cán bộ, hỗ trợ thuế, đất đai, xóa nợ..., tạo điều kiện cho KTTT đứng vững và phát triển.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc phát triển khu vực KTTT vẫn còn một số hạn chế. Các mô hình tổ hợp tác, HTX phát triển chưa nhiều, thậm chí có xu hướng giảm. Trong giai đoạn từ 2003 - 2012, toàn tỉnh có 5 HTX được thành lập mới, nhưng có 8 HTX khác phải giải thể. Tỉ lệ HTX hoạt động khá giỏi chỉ chiếm 41%, còn lại là trung bình và yếu. Nhiều HTX luôn trong tình trạng thiếu vốn sản xuất, không đủ sức cạnh tranh trong cơ chế thị trường, thậm chí đối mặt với nguy cơ giải thể. Câu chuyện về các HTX vận tải mới đây là một ví dụ. Do không đáp ứng được các yêu cầu về hoạt động kinh doanh vận tải, kinh doanh không hiệu quả nên trong số 12 HTX vận tải, hiện chỉ có 3 HTX cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Các HTX còn lại một số xin thêm thời gian để củng cố năng lực, một số đang tiến hành thủ tục giải thể.
Theo các chuyên gia, để lĩnh vực KTTT tiếp tục phát triển, các cấp ủy đảng và chính quyền cần cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 5 thành chương trình hành động, kế hoạch cụ thể sát với thực tế của ngành, địa phương. Trong quá trình tổ chức thực hiện, phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, cụ thể của cấp ủy đảng, chính quyền và sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, các tổ chức đoàn thể đối với phát triển KTTT. Bên cạnh đó, thường xuyên quan tâm công tác tuyên truyền, vận động các hộ gia đình tham gia hợp tác sản xuất, thành lập HTX; kịp thời phát hiện những mô hình mới, những HTX sản xuất kinh doanh có hiệu quả để phổ biến, nhân rộng.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả KTTT mà nòng cốt là HTX, cần củng cố, xây dựng bộ máy quản lý điều hành HTX có năng lực, trình độ, có tinh thần trách nhiệm, tâm huyết và gắn bó với HTX, đứng đầu là chủ nhiệm HTX, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa xã viên với HTX. Các cấp, ngành cần quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho HTX, nhất là công tác tư vấn, giúp đỡ HTX thông qua việc hỗ trợ về đất đai, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chuyển giao khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại. Đồng thời định hướng các HTX bổ sung nội dung hoạt động, xây dựng phương án phát triển sản xuất kinh doanh, gắn với việc triển khai thực hiện các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ngọc Khánh