05:04, 11/04/2014

Hậu kiểm, và…

Một doanh nghiệp, từ khi manh nha, thành lập cho đến khi giải thể, phá sản đều phải tuân thủ nhiều quy định của pháp luật, gồm nhiều bộ luật khác nhau như: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đất đai… Song, trên thực tế, nhiều vấn đề về quản lý doanh nghiệp, đặc biệt là ở khâu hậu kiểm đang được đặt ra.

Một doanh nghiệp (DN), từ khi manh nha, thành lập cho đến khi giải thể, phá sản đều phải tuân thủ nhiều quy định của pháp luật, gồm nhiều bộ luật khác nhau như: Luật DN, Luật Đầu tư, Luật Đất đai… Song, trên thực tế, nhiều vấn đề về quản lý DN, đặc biệt là ở khâu hậu kiểm đang được đặt ra.


Câu chuyện Tập đoàn Rừng Toàn cầu (RTC), trong đó có Công ty Hiển Vinh (HV) đóng tại Khánh Hòa làm nòng cốt, là một ví dụ.


Tập đoàn này kê khai vốn điều lệ tới… 800.000 tỷ đồng, hiện có tới 155 dự án trên toàn quốc và 69 hợp đồng hợp tác đầu tư với các địa phương, tổ chức, cá nhân. Nhưng qua theo dõi trên thực tế, các ngành chức năng nhận thấy, Công ty HV không có hoạt động sản xuất kinh doanh, không phát sinh các loại thuế và có những hoạt động khó hiểu. Phát hiện như vậy, nhưng kiểm tra DN này không dễ. “Lãnh đạo bận công tác!”, “Hồ sơ DN không có ở đây mà ở… Hà Nội”… DN lần khất mãi, Sở Kế hoạch và Đầu tư Khánh Hòa đã phải tiến hành phạt 2 lần, trong đó lần thứ hai phạt tiền 15 triệu đồng.


Theo các cơ quan chức năng, Tập đoàn RTC nói chung, Công ty HV nói riêng có nhiều điểm sai phạm như đăng ký vốn rất lớn nhưng không có cổ đông góp vốn; không lưu hồ sơ DN tại trụ sở đã đăng ký; không báo cáo hoạt động… Không chỉ vậy, DN này còn tổ chức phát hành cổ phiếu, xây dựng chương trình tài trợ, làm từ thiện… tràn lan với nhiều chiêu thức quảng cáo, lôi kéo rầm rộ, tinh vi. Hậu quả là có một số đơn vị ở TP. Hồ Chí Minh, Lạng Sơn đã hợp tác với RTC, với HV hiện đang điêu đứng vì dự án không có… tiền(!) Và, có không ít người lao động, cán bộ hưu trí… hiện đang sở hữu cổ phiếu… giấy, có nghĩa là không có tiền thật.


Hiện các cơ quan chức năng đang điều tra làm rõ những nghi vấn ở Tập đoàn RTC cũng như Công ty HV. Nhiều người đặt câu hỏi, phải chăng do sơ hở trong công tác kiểm tra, quản lý DN sau khi cấp đăng ký kinh doanh; phải chăng do chúng ta thiếu quyết liệt trong xử lý những DN sai phạm sau đăng ký kinh doanh? Tại sao không rút giấy phép của DN này khi họ có nhiều sai phạm như vậy và có dấu hiệu cho thấy còn có nhiều sai phạm? Các ngành chức năng đã có kiểm tra, đã có xử phạt. Nhưng, rõ ràng, những công việc ấy cần làm mạnh mẽ hơn, rốt ráo hơn.


Lại đặt câu hỏi: Hướng xử lý câu chuyện này như thế nào; hiện có nhiều DN kiểu như RTC, kiểu như HV không và việc hậu kiểm DN như hiện nay đã thực sự ổn chưa?


Trước hết, cần phải có cuộc tổng kiểm tra các DN có liên quan tới RTC, với HV trên phạm vi cả nước để có kết luận cụ thể, chính xác về hoạt động của DN này. Còn muốn trả lời câu hỏi có bao nhiêu RTC, bao nhiêu HV, không có cách nào khác là phải lấy kết quả từ hoạt động kiểm tra tình hình thực tế các DN.


Riêng về công tác hậu kiểm và xử lý vi phạm của các DN, cần phải có cơ chế, chế tài cứng rắn hơn, nghiêm khắc hơn để trị tận gốc căn bệnh chây ỳ, “liều mạng” của một số DN làm ăn thiếu minh bạch.


PHONG NGUYÊN