Hiện nay, tàu đánh cá truyền thống của ngư dân ta chủ yếu là tàu vỏ gỗ, được đóng theo lối thủ công. Thực tế cho thấy, sử dụng tàu vỏ gỗ, ngư dân không chỉ gặp nhiều khó khăn trong việc trang bị các thiết bị bảo quản sản phẩm hiện đại mà còn phải đối mặt với nguy cơ rủi ro rất cao khi đánh bắt ở các ngư trường xa, trong điều kiện sóng to, gió lớn.
Hiện nay, tàu đánh cá truyền thống của ngư dân ta chủ yếu là tàu vỏ gỗ, được đóng theo lối thủ công. Thực tế cho thấy, sử dụng tàu vỏ gỗ, ngư dân không chỉ gặp nhiều khó khăn trong việc trang bị các thiết bị bảo quản sản phẩm hiện đại mà còn phải đối mặt với nguy cơ rủi ro rất cao khi đánh bắt ở các ngư trường xa, trong điều kiện sóng to, gió lớn.
Nhiều ngư dân đang có nhu cầu chuyển tàu vỏ gỗ sang các vật liệu khác như composite, sắt thép… Nhu cầu là vậy, nhưng ngư dân không thể làm được, bởi phải có vốn lớn. Chi phí đóng một con tàu vỏ gỗ 400 CV khoảng trên 3 tỷ đồng, còn tàu vỏ thép có giá thành gần 5 tỷ đồng.
Vừa qua, huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) được Thủ tướng Chính phủ chọn làm mô hình thí điểm phát triển tàu khai thác và tàu dịch vụ hậu cần vỏ thép để đánh bắt hải sản tại các vùng biển xa. Theo chính sách thí điểm, ngư dân được vay 80% giá trị con tàu, trong 10 năm, lãi suất 2,5%/năm; 20% còn lại ngư dân tự lo liệu. Thực tế, một con tàu vỏ thép, máy công suất 900 CV có giá thành khoảng 6,5 tỷ đồng. Như vậy, để đóng một con tàu vỏ thép công suất 900CV, ngư dân phải góp vốn gần 1,3 tỷ đồng. Đây là số tiền không nhỏ, trong khi khả năng ngư dân tiếp cận các nguồn vay rất khó khăn. Cho nên, việc thực hiện đóng tàu vỏ thép theo cơ cấu vốn như trên gần như không thể thực hiện được.
Trong điều kiện đó, Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy xây dựng phương án đóng mới 6 con tàu khai thác cá vỏ thép cho ngư dân Quảng Ngãi theo hướng Tổng Công ty ứng toàn bộ số vốn đóng tàu; ngư dân hoàn trả trong vòng 6 năm, không tính lãi.
Công ty TNHH MTV Đóng tàu Nha Trang được giao đóng 2 tàu trong số đó và đã hoàn thành, bàn giao con tàu vỏ thép đầu tiên mang tên Hoàng Anh 01 cho ngư dân Quảng Ngãi. Con tàu này hiện đang ra khơi chuyến đầu tiên, mang theo nhiều niềm tin thắng lợi. Theo Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Đóng tàu Nha Trang Lê Văn Toàn, đây là tàu cá vỏ thép đầu tiên được công ty đóng theo công nghệ mới. So với tàu gỗ, tàu vỏ thép có nhiều tính năng ưu việt hơn hẳn.
Không dừng ở đó, ngư dân còn mong muốn có nhiều tàu vỏ thép; được tổ chức hoạt động theo mô hình “tàu mẹ - tàu con”, hỗ trợ nhau trong khai thác, bảo quản, chế biến, tiêu thụ.
Vấn đề lớn nhất, khó nhất trong đóng tàu vỏ thép hiện nay là vốn. Thực tế trên cho thấy, ngư dân khó có thể góp vốn, dù ở tỷ lệ 20%, để đóng tàu vỏ thép. Mà Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy cũng không thể “kham” được nhiều tàu hơn nữa với cách ứng vốn như vậy.
Vừa qua, tại cuộc họp đánh giá tình hình triển khai chính sách tín dụng phục vụ ngư dân, ông Trần Sơn Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các tổ chức tín dụng cần chủ động có các giải pháp về tiêu chí cho vay, lãi suất cho vay, hỗ trợ lãi suất cho vay… để thực hiện tốt chính sách tín dụng phục vụ ngư dân trên địa bàn tỉnh.
Hướng là như vậy, nhưng ngành ngân hàng cho rằng, việc cho ngư dân vay vốn đóng mới, cải hoán tàu cá gặp rất nhiều rủi ro. Hiệu quả đi biển thấp, dẫn đến khó có khả năng trả nợ ngân hàng. Nhiều tàu thuyền làm ăn kém hiệu quả khi đem bán tài sản thì giá trị thấp, ngân hàng dễ mất vốn… Còn về phía mình, ngư dân lại cho rằng, họ khó tiếp cận các chính sách tín dụng từ ngân hàng.
Do đó, nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách thật sự phù hợp để ngư dân vay được vốn đóng tàu vỏ thép đang là vấn đề thật sự cấp bách, để ngư dân thỏa nỗi ước mơ được ra khơi trên những con tàu vỏ thép bề thế, hiện đại. Và, điều ấy có ý nghĩa mở một nút thắt quan trọng trên bước đường xây dựng đội tàu cá hiện đại; thực hiện mục tiêu nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển theo tinh thần Nghị quyết số 09-NQ/TW “Về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”.
PHONG NGUYÊN