11:03, 29/03/2014

Thu hút FDI

Tính đến thời điểm này, trên địa bàn Khánh Hòa có 84 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đầu tư khoảng 1,208 tỷ USD.

Tính đến thời điểm này, trên địa bàn Khánh Hòa có 84 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đầu tư khoảng 1,208 tỷ USD.


Hiện đã có 60/84 dự án đi vào hoạt động, với tổng vốn đầu tư thực hiện trên 704 triệu USD, đạt 57,5% tổng vốn đầu tư đăng ký. Con số này được đánh giá là khá cao so với mức vốn thực hiện FDI bình quân chung của cả nước là 43,2%.


Tuy nhiên, về mức độ thu hút FDI, theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Khánh Hòa xếp thứ 29/63 tỉnh, thành; xếp thứ 6/6 tỉnh, thành duyên hải từ Khánh Hòa trở ra Đà Nẵng và xếp thứ 11/14 tỉnh khu vực duyên hải miền Trung và Bắc Trung bộ từ Bình Thuận ra tới Hà Tĩnh, hơn được 3 tỉnh Ninh Thuận, Quảng Trị và Quảng Bình.


Như vậy, có thể thấy, mức độ thu hút FDI của Khánh Hòa không cao so với nhiều địa phương khác trong khu vực. Năm 2013, Khánh Hòa chỉ có 2 dự án FDI, và trong khoảng thời gian từ 4 đến 5 năm trở lại đây, mỗi năm chỉ có khoảng 7 - 8 dự án FDI mà đa số là dự án có quy mô nhỏ ngoại trừ 2 dự án đóng tàu có quy mô lớn là dự án STX và dự án Oshima. Có điều đáng tiếc là tuy rất phù hợp với điều kiện, lợi thế địa phương nhưng do các ngành công nghiệp hàng hải, đóng tàu gặp nhiều khó khăn nên các dự án này chưa thực hiện được, có nhiều khả năng bị rút giấy phép.


Thêm vào đó, việc một số dự án lớn trong khu vực vịnh Vân Phong bị thu hồi chứng nhận đầu tư như Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong, Căn cứ Dịch vụ công nghiệp dầu khí Vân Phong… đã có tác động không nhỏ đến việc thu hút FDI trên địa bàn. Cạnh đó, trên lĩnh vực du lịch, các dự án ở khu vực Bãi Dài hiện triển khai vẫn rất chậm. Và, như vậy, tiềm năng, lợi thế phát triển, nhất là lợi thế kinh tế biển của địa phương chưa được khơi gợi, đánh thức kịp thời; thậm chí, nhiều lĩnh vực có nguy cơ… lỡ nhịp.

Thu hút FDI khó như vậy, nhưng, những dự án khi đã đăng ký trên địa bàn, như trên đã nói, nguồn vốn thực hiện có tỷ lệ khá cao. Điều này thể hiện sự nỗ lực rất cao không chỉ nhà đầu tư mà của cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên, do mấy năm trở lại đây, mức thu hút FDI thấp nên dự báo nguồn vốn triển khai thực hiện trong các năm 2014, 2015 là rất khó khăn.


Trước nay, các tỉnh miền Trung nói chung, Khánh Hòa nói riêng xác định tập trung mời gọi đầu tư trên các lĩnh vực du lịch, dịch vụ cảng biển và khu công nghiệp, khu kinh tế.


Từ thực tế ấy, nhằm thu hút mạnh FDI trên địa bàn, bên cạnh đẩy mạnh thực hiện một số nhóm giải pháp như xây dựng cơ sở hạ tầng; phát triển nguồn nhân lực, cải cách hành chính; xúc tiến đầu tư…, Khánh Hòa cần tiếp tục đầu tư, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sẵn sàng kêu gọi, thu hút các dự án FDI có quy mô lớn, có vai trò động lực vào Khu Kinh tế Vân Phong theo hướng phát triển mô hình đặc khu hành chính - kinh tế.


PHONG NGUYÊN