Tuần qua, có 2 quyết định được Thủ tướng Chính phủ ban hành, đều có liên quan đến sách.
Tuần qua, có 2 quyết định được Thủ tướng Chính phủ ban hành, đều có liên quan đến sách.
Một là, quyết định lấy ngày 21-4 hàng năm là ngày Sách Việt Nam. Mục đích của quyết định này rất rõ ràng, đó là nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc bổ sung kiến thức, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người; đồng thời khẳng định giá trị của sách trong đời sống xã hội.
Hai là việc phê duyệt dự án công bố và phổ biến các tác phẩm văn học được giải thưởng Nhà nước, thực hiện trong 2 năm 2014, 2015. Cụ thể là xây dựng một bộ sách gồm 367 tác phẩm của 121 tác giả đoạt giải thưởng Nhà nước đã công bố trong 3 đợt 2001, 2007, 2012 thành 166 tập sách, nhằm phản ánh thành tựu văn học cách mạng hùng hậu, mang tính hệ thống về một thời kỳ lịch sử vĩ đại của dân tộc. Dự án cũng nhằm tôn vinh các tác giả, tác phẩm, đồng thời góp phần quảng bá, lưu trữ các tác phẩm văn học có giá trị cao, được Nhà nước ghi nhận.
2 quyết định trên góp phần mở lối cho văn hóa đọc đến với rộng rãi công chúng, nâng tầm cho sách và thói quen đọc sách; đồng thời tạo cơ hội cho nhân dân thưởng thức, tiếp cận các giá trị, các thành tựu văn học nước nhà một cách đầy đủ hơn, toàn vẹn hơn trong bối cảnh văn hóa mạng đang dường như lấn át. Thực ra, vấn đề văn hóa đọc đã được nói nhiều, và nhiều địa phương cũng đã có các hoạt động để khơi dậy tinh thần đó của người đọc. Cụ thể là các hội chợ sách, hay tổ chức họp báo giới thiệu sách mới (điều này mang tính cá nhân tác giả có sách là chủ yếu). Việc giới thiệu những cuốn sách hay, sách mới, định hướng người đọc là cần thiết trong bối cảnh độc giả như hoa cả mắt mỗi khi đến các nhà sách. Tuy nhiên, hầu như các hoạt động chủ yếu diễn ra ở 2 thành phố lớn, nơi có nhiều nhà xuất bản là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; trong khi các tỉnh cũng có tổ chức nhưng hiếm khi và quy mô còn hạn chế, như Khánh Hòa gần đây tổ chức không gian nhỏ dành cho sách trong khuôn khổ Festival biển 2013 chẳng hạn. Cũng không hẳn người đọc bây giờ quá thờ ơ với sách, bằng chứng là việc TP. Hồ Chí Minh lần đầu tổ chức con đường sách vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, được đánh giá rất thành công khi thu hút đông đảo người đọc. Điều đó cho thấy người đọc cần một “cú hích”, cần đến một phong trào trước đã, từ đó mới tạo thói quen cho mình.
Trong nhiều mục đích hướng tới người đọc thì việc ban hành ngày sách còn nhằm nâng cao trách niệm của các cấp ngành, các cơ quan chức năng và tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc. Sách đã có một ngày hội hẳn hoi. Vấn đề còn lại là ngành Văn hóa các địa phương sẽ có kế hoạch tổ chức triển khai các hoạt động hưởng ứng như thế nào sao cho hiệu quả, thu hút được nhiều người tìm đến với sách, khơi gợi văn hóa đọc và tạo cho độc giả thói quen đọc sách thường xuyên.
B.T