10:03, 30/03/2014

Để người dân không lơ là phòng, chống dịch

Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đến thời điểm này, cả nước còn 19 ổ dịch cúm gia cầm H5N1 tại 8 tỉnh, thành phố, trong đó có Khánh Hòa. Các ổ dịch xảy ra chủ yếu trên đàn gia cầm nuôi tại các hộ gia đình, đã được chính quyền địa phương, cơ quan thú y phát hiện và xử lý kịp thời.

Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đến thời điểm này, cả nước còn 19 ổ dịch cúm gia cầm H5N1 tại 8 tỉnh, thành phố, trong đó có Khánh Hòa. Các ổ dịch xảy ra chủ yếu trên đàn gia cầm nuôi tại các hộ gia đình, đã được chính quyền địa phương, cơ quan thú y phát hiện và xử lý kịp thời. Khánh Hòa là tỉnh có số lượng lớn gia cầm mắc bệnh phải tiêu hủy. Tính đến ngày 25-3, tổng số gia cầm mắc bệnh, chết đã tiêu hủy là 27.285 con.


Khi kiểm tra công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm tại Ninh Hòa, Cục Thú y tỉnh đánh giá, công tác chỉ đạo và tổ chức phòng, chống dịch của địa phương này còn nhiều tồn tại. Cụ thể như việc xử lý ổ dịch chưa triệt để và chưa đảm bảo kỹ thuật trong vệ sinh, tiêu độc, khử trùng; một số hộ có gia cầm mắc bệnh nhưng chưa tiêu hủy hết; công tác thông tin tuyên truyền còn hạn chế.


Tại cuộc họp thường kỳ đánh giá tình hình kinh tế - xã hội quý I/2014 của UBND tỉnh, ông Tào Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, những đánh giá của Cục Thú y tỉnh tại thị xã Ninh Hòa - nơi còn nhiều tồn tại trong công tác phòng, chống dịch, ngành Nông nghiệp đang rút kinh nghiệm, chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương triển khai thực hiện. Trên thực tế, việc xử lý các ổ dịch cũng gặp khó khăn, nhất là đối với chim bồ câu. Đối với công tác tuyên truyền, một số xã chỉ treo băng rôn ở đầu xã và cuối xã bởi chỉ có một vài hộ nuôi gia cầm nhỏ lẻ có dịch bệnh...


Việc phòng, chống dịch cúm gia cầm cần phải thực hiện nhiều biện pháp tổng hợp như: tuyên truyền vận động người dân, thống kê tổng đàn, tiêm phòng, giám sát dịch, tiêu hủy kịp thời gia cầm bị bệnh, chết... Thế nhưng trên thực tế, công việc này hầu như chỉ có lực lượng thú y và người trực tiếp chăn nuôi thực hiện. Nhưng cũng có trường hợp nhiều hộ chăn nuôi không tự giác phòng, chống dịch, mặc dù cán bộ thú y đã đến tận nơi phát thuốc, hướng dẫn. Tại cuộc họp thường kỳ, đồng chí Lê Đức Vinh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu ngành Nông nghiệp chỉ đạo lực lượng thú y trực tiếp thực hiện công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, bởi có phát thuốc thì chưa chắc người dân đã thực hiện...


Để người dân không lơ là, chủ quan, ngoài việc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và sự vào cuộc của lực lượng thú y, đòi hỏi phải có sự phối hợp tích cực của các tổ chức đoàn thể. Đây mới là kênh tuyên truyền, vận động hiệu quả nhất tại địa bàn dân cư.


ĐẠI HẢI