06:03, 04/03/2014

Bảo hiểm xã hội tự nguyện

Bảo hiểm xã hội tự nguyện là một chính sách mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc của Đảng và Nhà nước. Khi tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện, người lao động tự do có thu nhập thấp, không ổn định như nông dân, thợ thủ công...

Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện là một chính sách mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc của Đảng và Nhà nước. Khi tham gia BHXH tự nguyện, người lao động tự do có thu nhập thấp, không ổn định như nông dân, thợ thủ công... sẽ được hưởng lương hưu, góp phần đảm bảo cuộc sống khi về già. Tuy nhiên, sau 4 năm triển khai, số lượng người tham gia BHXH tự nguyện tại Khánh Hòa (tuy có tăng qua các năm) nhưng vẫn chưa xứng với kỳ vọng và tiềm năng.


Theo thống kê, năm 2009, toàn tỉnh chỉ có 142 người tham gia BHXH tự nguyện. Đến năm 2013, con số này đã tăng lên 980 người. Hiện đã có hơn 30 người, chủ yếu ở TP. Nha Trang, được hưởng chế độ hưu trí của BHXH tự nguyện. Lãnh đạo BHXH TP. Nha Trang cho biết, đối tượng chủ yếu tham gia BHXH tự nguyện tại Nha Trang là những người đã có quá trình tham gia BHXH bắt buộc trước đây, đã nghỉ việc nhưng chưa đủ thời gian để hưởng chế độ hưu trí, nay đóng tiếp để đủ thời gian được hưởng. Ngoài ra còn có nhóm cán bộ xã, phường không chuyên trách. Nhóm này đã được ngân sách Nhà nước hỗ trợ một phần để tham gia BHXH tự nguyện. Và một phần nhỏ nữa là những người tự tạo việc làm.


Ngay từ khi ra đời, nhóm đối tượng chính mà BHXH tự nguyện hướng đến là những người không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, nhất là những người lao động tự do. Nhưng qua thực tế tại Nha Trang nói riêng và toàn tỉnh nói chung, hiện nay đối tượng tham gia BHXH tự nguyện chiếm tỷ lệ đông nhất lại là những người đã từng tham gia BHXH bắt buộc, còn những người lao động tự do chiếm tỷ lệ rất ít. Theo đại diện BHXH tỉnh, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Một là do nhận thức còn thấp khiến người lao động chưa thấy hết được tính ưu việt của chế độ BHXH tự nguyện. Hai là tuy thấy được lợi ích của BHXH tự nguyện, nhưng do phải đóng trong thời gian dài khiến nhiều người lao động tự do không đủ sức theo vì nguồn thu nhập của họ tương đối bấp bênh. Trường hợp có tiền dư thì người lao động cũng ưu tiên cho các kênh đầu tư khác như gửi ngân hàng hoặc mua vàng. Một nguyên nhân nữa khiến số người tham gia BHXH tự nguyện thấp, đó là họ chỉ được hưởng 2 chế độ là hưu trí và tử tuất, trong khi người tham gia BHXH bắt buộc được hưởng tới 5 chế độ là ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất. Người tham gia BHXH bắt buộc có mức đóng lên tới 30,5% nhưng đã được đơn vị sử dụng lao động hỗ trợ 21%, người lao động chỉ đóng 9,5%, trong khi người tham gia BHXH tự nguyện có mức đóng hiện nay bằng 20% mức thu nhập do người đó tự đăng ký và từ tháng 1-2014 đã tăng lên mức 22%.


Để khuyến khích người lao động tham gia BHXH tự nguyện, thiết nghĩ cơ quan chức năng cần tham mưu các cấp, ngành xem xét mức hỗ trợ tài chính phù hợp cho từng nhóm đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, tăng quyền lợi hưởng... Bên cạnh đó, cần phối hợp với các tổ chức đoàn thể, nhất là Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh; thông qua hệ thống đại lý thu bảo hiểm y tế tự nguyện tại các xã, phường tăng cường tuyên truyền tới người dân về lợi ích của BHXH tự nguyện. Có như vậy, chính sách BHXH tự nguyện mới đi sâu vào cuộc sống, góp phần làm tốt công tác an sinh xã hội theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.


Ngọc Khánh