Năm 2013, tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh đạt hơn 21.122 tỷ đồng, tăng 6,1% so với năm 2012. Nhờ có những chính sách huy động vốn hợp lý, kinh tế - xã hội Khánh Hòa tiếp tục có bước tăng trưởng khá.
Năm 2013, tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh đạt hơn 21.122 tỷ đồng, tăng 6,1% so với năm 2012. Nhờ có những chính sách huy động vốn hợp lý, kinh tế - xã hội (KT-XH) Khánh Hòa tiếp tục có bước tăng trưởng khá. Trong đó, GDP đạt 40.894 tỷ đồng, tăng 8,3% so với năm 2012. Đặc biệt, sự tăng trưởng của địa phương có thể thấy rõ qua việc đánh giá hiệu quả đầu tư. Hệ số ICOR (Incremental Capital Output Ratio - một chỉ số cho biết muốn có thêm một đơn vị sản lượng trong một thời kỳ nhất định cần phải bỏ ra thêm bao nhiêu đơn vị vốn đầu tư trong cùng thời kỳ) đã giảm từ 5,49 năm 2012 xuống còn 5,17 năm 2013. Trong khi đó, ICOR bình quân chung của cả nước vẫn đang ở khoảng 5,5. Điều đó cho thấy, việc nhà đầu tư tham gia đầu tư sản xuất kinh doanh tại tỉnh Khánh Hòa đang có hiệu quả hơn so với nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước.
Để đạt được kết quả nêu trên, năm qua, các cơ quan chức năng của tỉnh đã nỗ lực thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính, minh bạch, công khai các chủ trương nhằm giảm phiền hà cho tổ chức, cá nhân khi đến liên hệ giải quyết công việc, trong đó có việc xin cấp phép đầu tư, kinh doanh. Vì vậy, trong tình hình ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, Khánh Hòa đã cấp phép cho 2 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 2,4 triệu USD, nâng tổng số dự án đầu tư nước ngoài có hiệu lực toàn tỉnh lên 84 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 1,2 tỷ USD. Ngoài ra, nguồn vốn đầu tư trong nước cũng đã có thêm 1.430 doanh nghiệp được cấp phép với tổng vốn tăng thêm 10.530 tỷ đồng. Có thể những con số này vẫn còn rất khiêm tốn so với tiềm năng, lợi thế của tỉnh; tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước, mỗi dự án đầu tư hay một đồng vốn được huy động đều rất đáng quý, có ý nghĩa lớn để giúp cho tỉnh thêm cơ hội hoàn thành các mục tiêu KT-XH đã đề ra. Những kết quả có được đã cho thấy địa phương đang rất nỗ lực nhằm tiếp tục cải thiện vị trí về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Theo đồng chí Nguyễn Chiến Thắng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, năm qua, UBND tỉnh đã thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển vốn Nhà nước theo đúng nguyên tắc bố trí vốn và khả năng cân đối kế hoạch trung hạn 2013 - 2015 với tinh thần tiết kiệm và hiệu quả; đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư nhằm phát triển kết cấu hạ tầng; tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, điển hình là tăng cường công tác phối hợp với các tổ chức tín dụng tìm mọi biện pháp giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay để phục vụ sản xuất kinh doanh...
Nghị quyết về kế hoạch phát triển KT-XH năm 2014 của HĐND tỉnh đề ra tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 24.000 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2013. Đây là chỉ tiêu cao trong giai đoạn kinh tế vẫn còn khó khăn. Vì vậy, đòi hỏi có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và mọi tầng lớp nhân dân mới đạt được. Hiện nay, tỉnh đã đề ra nhiều biện pháp nhằm tiếp tục kéo giảm hệ số ICOR, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh cho các nhà đầu tư như: Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển; tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả 4 chương trình KT-XH trọng điểm của tỉnh; thực hiện hiệu quả các quy định về đầu tư công; tiếp tục hỗ trợ để thực hiện được các dự án đầu tư về du lịch đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư; tăng cường quản lý thị trường, ngăn chặn có hiệu quả các hành vi gian lận thương mại; xây dựng cơ chế hỗ trợ về giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất; hỗ trợ kỹ thuật canh tác và thị trường tiêu thụ nhằm phát triển sản xuất; thực hiện chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản xa bờ có hiệu quả và an toàn...
Hy vọng, với những định hướng thu hút vốn đầu tư và giải pháp quyết liệt, năm 2014, tỉnh Khánh Hòa sẽ có những chỉ tiêu KT-XH khởi sắc, tạo đà để hoàn thành nhiệm vụ trong cả giai đoạn 2010 - 2015.
HOÀNG TRIỀU