Hôm nay là ngày Thầy thuốc Việt Nam. Trong xã hội, nghề thầy thuốc luôn được đánh giá là nghề cao quý, được xã hội kính trọng, tôn vinh.
Hôm nay là ngày Thầy thuốc Việt Nam.
Trong xã hội, nghề thầy thuốc luôn được đánh giá là nghề cao quý, được xã hội kính trọng, tôn vinh. Những người thầy thuốc có sứ mệnh hết sức cao cả là chữa bệnh cứu người, giành lại sự sống cho những người tưởng như không qua nổi cơn hiểm nghèo. Trong thực tế có rất nhiều thầy thuốc đã không quản ngại hy sinh, bị phơi nhiễm, lây bệnh do tiếp xúc với bệnh nhân (BN). Có không ít người nhiều đêm thức trắng, trăn trở làm sao cứu được người bệnh để họ khỏe mạnh trở về với cuộc sống gia đình. Có những y tá, bác sĩ sẵn sàng hiến những giọt máu quý giá của mình mà không chút đắn đo. Hạnh phúc, nỗi đau của họ gắn liền với BN. Những việc làm cao cả đó luôn được xã hội ghi nhận, đánh giá cao.
Thế nhưng, bên cạnh những thầy thuốc luôn hết lòng vì người bệnh, đó đây, lúc nọ lúc kia vẫn còn những thầy thuốc chưa làm hết trách nhiệm của mình đối với BN, chưa thông cảm với nỗi đau của người bệnh, chưa coi trị bệnh cứu người là mục tiêu theo đuổi suốt đời của người thầy thuốc. Tình trạng bác sĩ, nhân viên y tế nhận phong bì của BN, từ nó nảy sinh sự đối xử thiếu công bằng giữa các BN đã bị công luận lên tiếng, nhưng đến nay hiện tượng này vẫn chưa được đẩy lùi triệt để. Một số bác sĩ, nhân viên y tế có thái độ đối xử thiếu lịch sự, thậm chí quát mắng BN, kể cả người già, nhưng khi bị phê phán thì lại cho rằng do áp lực công việc.
Có ý kiến cho rằng nguyên nhân của tình trạng trên là do lương bác sĩ thấp, không đủ sống, viện phí thấp… nên buộc bác sĩ phải nhận tiền từ BN, dù không muốn. Có ý kiến cho rằng vì cơ chế “hai giá”, chênh lệch lớn giữa chi phí khám bệnh nhà nước và tư nhân khiến người dân sẵn sàng lót tay thêm để được phục vụ trước. Thậm chí có người còn cho rằng chính BN và người nhà BN đưa phong bì làm hư bác sĩ, vì bác sĩ đâu có đòi hỏi. Thực ra, đó chỉ là những cách nói ngụy biện. Lý do quan trọng nhất là sự suy thoái về y đức. Bởi vì cho dù lương bác sĩ còn thấp, nhưng không thể chấp nhận việc bác sĩ nhận tiền riêng của BN, để từ đó có sự phân biệt đối xử, nhất là đối với BN nghèo. Điều đó hoàn toàn trái với lương tâm và y đức của người thầy thuốc.
Xã hội luôn tôn trọng và cũng đòi hỏi trách nhiệm cao ở người thầy thuốc. Người thầy thuốc không những phải giỏi về nghiệp vụ mà còn phải có tấm lòng của người mẹ hiền. Hải Thượng Lãn Ông được coi là ông tổ của nghề Y Việt Nam luôn nhấn mạnh đến đạo đức, lòng thương yêu BN. Ông luôn nói đến chữ Tâm, đến “nhân thuật”. Đạo làm thuốc là một “nhân thuật” chuyên bảo vệ sinh mạng con người, phải lo cái lo của người và vui cái vui của người, chỉ lấy việc cứu sống mạng người làm nhiệm vụ của mình mà không cầu lợi, kể công.
Lòng yêu thương, y đức chính là vẻ đẹp, phẩm chất của người thầy thuốc, cần được thắp sáng nhiều hơn nữa trong lòng mỗi y, bác sĩ để sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày một tốt hơn.
Chúng ta không phủ nhận những đóng góp của ngành Y tế nói chung và các thầy thuốc nói riêng. Nhưng có một điều cũng cần nhấn mạnh, đó là trong xã hội, nghề nào cũng cần có đức; riêng với nghề thầy thuốc, y đức luôn phải đặt lên hàng đầu.
Khánh Ngọc